Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu, Đà Nẵng tụt hạng

(Dân trí) - Bảng xếp hạng PCI năm 2017 vừa được công bố cho thấy đã có những thay đổi đáng kể. Theo đó, TP. Đà Nẵng đã xuống vị trí thứ 2 “nhường chỗ” cho Quảng Ninh. Trước đó, Đà Nẵng đã có 7 năm dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố.


Theo bảng xếp hạng PCI 2017, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7 trên thang điểm 100.

Theo bảng xếp hạng PCI 2017, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7 trên thang điểm 100.

Sáng nay (22/3), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức công bố Báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền cấp tỉnh, thành phố của Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.

Theo bảng xếp hạng PCI 2017, Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với điểm số 70,7 trên thang điểm 100.

Những địa phương khác trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2017 lần lượt là: Đà Nẵng (70,1 điểm), Đồng Tháp (68,8 điểm), Long An (66,7 điểm); Bến Tre (66,7 điểm); Quảng Nam (65,4 điểm), TP.HCM (65,2 điểm); Hải Phòng (65,2 điểm) và Cần Thơ (65,1 điểm).

Trong khi đó, “top” 5 địa phương đứng cuối bảng đó là: Cao Bằng (58,89 điểm); Bắc Kạn (58,82 điểm); Lai Châu (58,82 điểm); Kon Tum (58,53 điểm); Bình Phước (56,70 điểm); Đắk Nông (55,12 điểm).

Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bình Dương, Thái Nguyên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh…

Như vậy có thể thấy bảng xếp hạng PCI năm 2017 đã có những thay đổi đáng kể. Theo đó, TP. Đà Nẵng đã xuống vị trí thứ 2 “nhường chỗ” cho Quảng Ninh. Trước đó, Đà Nẵng đã có 7 năm dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố.

Điều tra PCI năm 2017 cũng cho thấy một tâm lý khá lạc quan khi 52% doanh nghiệp dân doanh sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, mức cao nhất từ năm 2011 trở lại đây. Tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh có kế hoạch giảm quy mô hoặc cửa thấp, chỉ ở mức 8%.

Điều này cũng khá rõ rệt đối với các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi có tới 60% doanh nghiệp cho biết có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, mức cao nhất từ năm 2011.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, cải thiện là xu hướng chủ đạo trong môi trường kinh doanh Việt Nam trong năm vừa qua. “Các địa phương đang tích cực vào cuộc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Lộc nhận xét.

Tuy nhiên điều tra PCI cũng cho thấy, mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng môi trường kinh doanh theo PCI, vẫn còn những “điểm tối” như: Tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn chưa cao, thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu...

Đặc biệt, năm 2017, trung bình vẫn có trên 59% doanh nghiệp cho biết họ vẫn còn phải trả các chi phí không chính thức, dù chỉ số này đã giảm so với những năm trước, 28% doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang lo lắng hơn về những phiền hà trong việc tiếp cận đất đai và sự rủi ro trong việc bảo đảm quyền sử dụng đất. Tình hình an ninh trật tự ở một số địa phương cũng là mối quan ngại cho nhiều doanh nghiệp…

Nguyễn Khánh

Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu, Đà Nẵng tụt hạng - 2