Chủ tịch UBCKNN: “Tôi mất ngủ và lo lắng khi cổ phiếu rớt giá”
(Dân trí) - “Tôi rất đau xót khi thị giá cổ phiếu rớt thê thảm, thậm chí, có cổ phiếu chỉ bằng tiền mua hai cọng hành. Khi biết thông tin này, tôi cũng mất ngủ và lo lắng”, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng tâm sự.
Vai trò kênh dẫn vốn dài hạn của TTCK giảm sút mạnh trong năm qua. Trong năm 2012 này, nhà đầu tư có thể hy vọng sự khởi sắc của thị trường không, thưa ông?
Năm 2012, TTCK sẽ có những yếu tố thuận lợi nhất định, đó là: Nghị quyết TW 3 đã yêu cầu cần phải tái cấu trúc 3 trụ cột của nền kinh tế gồm có đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại, trung gian tài chính. Điều này sẽ góp phần quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh chung và sự phát triển bền vững của nền kinh tế, và góp phần phát huy vai trò của TTCK.
Các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát đã dần phát huy tác dụng và đạt kết quả khả quan, chỉ số lạm phát đã có dấu hiệu giảm…. Do khả năng thế giới đối mặt với suy thoái lần 2 nên giá cả thế giới có giảm, điều này giúp giảm áp lực gây lạm phát. Việc điều hành chính sách tiền tệ cũng đã có sự cải thiện, linh hoạt hơn góp phần giúp thanh khoản ngân hàng cải thiện.
Tuy nhiên, nếu sức cầu vẫn yếu, thị trường vẫn xuống, TTCK vẫn là đối tượng bị thắt chặt nguồn tiền thì sẽ khó khăn. Còn xử lý về mặt kỹ thuật, UBCK và Bộ Tài chính đã ban hành một số sản phẩm mới như ban hành quỹ mở, margin. Tuy nhiên, đấy chỉ là những giải pháp kỹ thuật, còn vấn đề căn cơ nhất chính là nền kinh tế.
Chính phủ đã quyết định định hướng năm 2012 vẫn tiếp tục thắt chặt theo hướng linh hoạt. Có nghĩa, độ linh hoạt sẽ phụ thuộc vào tín hiệu thị trường, của nền kinh tế. Nếu lạm phát giảm xuống thì chính sách tiền tệ sẽ linh hoạt hơn.
Nhưng 2012 là năm được dự báo sẽ có làn sóng thoái vốn ra khỏi thị trường của nhiều quỹ đầu tư nước ngoài?
Năm 2012 có thể là năm hết thời hạn hoạt động của một số quỹ, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc các quỹ sẽ thoái vốn khỏi TTCK Việt Nam. Thật ra, trước khi hết thời gian hoạt động, các quỹ đều đã có kế hoạch riêng trong việc thoái vốn nhằm hạn chế ảnh hưởng tới bản thân giá trị tài sản của mình bằng cách hạn chế tối đa tác động tới thị trường.
Một số quỹ cũng đang tái cấu trúc danh mục và tìm hướng đầu tư mới như đầu tư qua hình thức đầu tư vốn cổ phần tư nhân (private equity), thực hiện qua con đường thâu tóm, mua bán sáp nhập doanh nghiệp. Hiện tại, công tác cổ phần hóa tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt đối với các DNNN lớn; do vậy nếu các công ty có triển vọng tốt, minh bạch thông tin và cơ chế quản trị công ty tốt thì vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các quỹ đầu tư.
Nhằm giữ chân những quỹ này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 183 hướng dẫn việc thành lập và quản lý quỹ mở, có hiệu lực từ tháng 2/2012. Thông tư này cho phép khả năng chuyển đổi các quỹ đóng sang quỹ dạng mở nếu đáp ứng một số điều kiện cho phép. Ngoài ra, một loạt các loại hình quỹ đầu tư mới như quỹ đầu tư bất động sản, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí tự nguyện cũng sẽ được ra đời trong thời gian tới.
Các cơ chế, chính sách về thuế đối với hoạt động đầu tư của quỹ cũng sẽ được nghiên cứu, sửa đổi... Đặc biệt khi chúng ta thực hiện tốt tái cấu trúc nền kinh tế thì đây cũng là cơ sở vững chắc để thu hút và phát triển các quỹ đầu tư tại Việt Nam.
Năm 2012 cũng là năm UBCK triển khai mạnh mẽ kế hoạch tái cấu trúc TTCK. Đó sẽ là những gì, thưa ông?
Thật ra việc tái cấu trúc TTCK đã tiến hành từ nhiều năm nay. Năm 2012, vấn đề tái cấu trúc TTCK được đề cập đến nhiều hơn là do Nghị quyết TW 3 đã có chủ trương tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế, trong đó có 3 trụ cột là đầu tư công, DNNN, hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính. Do vậy lĩnh vực chứng khoán cũng cần tiến hành tái cấu trúc nhanh hơn để phù hợp với yêu cầu và tình hình chung đó.
Hiện tại, UBCK đã hoàn thành căn bản Đề án tái cấu trúc TTCK. Đề án đã được Bộ Tài chính báo cáo Thường trực Chính phủ.
Đề án tập trung vào 5 mảng và kéo dài đến năm 2015. Đó là: Tái cấu trúc cơ sở hàng hóa; Tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư; Thị trường trái phiếu (sơ cấp và thứ cấp) sẽ thực hiện việc mua lại, hoán đổi trái phiếu chính phủ…; Tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán, gồm CTCK và công ty quản lý quỹ và Tái cấu trúc Sở Giao dịch, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
- Xin cám ơn ông!
Hiền Minh