Chủ tịch TPHCM: Tốc độ tiêm vắc xin có thể lên tới hơn 300.000 liều/ngày
(Dân trí) - Chia sẻ với các doanh nghiệp FDI, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đã tiêm vắc xin cho 85% công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và đã có kế hoạch tiêm mũi 2 cho nhóm này.
TPHCM có thể tăng trưởng âm năm 2021
Phát biểu mở đầu Hội nghị trực tuyến gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sáng nay (20/8), Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhắc lại thành phố đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn khi dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt kinh tế xã hội.
Ông Hoan cho biết theo dự báo mới nhất của Tổng cục Thống kê trong tháng 8, GRDP của TPHCM năm 2021 có khả năng tăng trưởng âm. Các lĩnh vực kinh tế từ xây dựng, thương mại, dịch vụ, công nghiệp đều có thể giảm sâu.
Hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố đang khó khăn. Phó chủ tịch TPHCM nhấn mạnh về nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông, xuất khẩu hàng hóa nếu không có giải pháp ứng phó toàn diện, mạnh mẽ và kịp thời.
"Chúng tôi nhận thức doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng với sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Những tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ của dịch bệnh Covid-19 đang từng ngày ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, dù đang còn nhiều việc phải làm, TPHCM vẫn tổ chức hội nghị này để lắng nghe doanh nghiệp, các hiệp hội góp ý, đề xuất ý tưởng, giải pháp để cùng TP ứng phó với dịch bệnh, nhanh chóng phục hồi sau đại dịch", ông Hoan chia sẻ với đại diện các doanh nghiệp FDI.
Kiến nghị về vắc xin, vận tải hàng hóa
Tại hội nghị, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài nêu nhiều kiến nghị, tập trung vào các vấn đề mô hình sản xuất "3 tại chỗ", vắc xin, vận chuyển hàng hóa.
Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) kiến nghị cho phép các đơn vị y tế tư nhân được triển khai tiêm vắc xin, cho phép doanh nghiệp tự test nhanh Covid-19 cho nhân viên và tăng giờ làm để phục hồi sản xuất, hỗ trợ thủ tục cho các chuyên gia thuận tiện đi lại và cắt giảm thời gian cách ly xuống còn 7 ngày cho những chuyên gia đã tiêm đủ liều vắc xin.
Còn Hiệp hội Thương mại Châu Âu (EuroCham) đề xuất đơn giản hóa các thủ tục hải quan để hỗ trợ thông quan nhanh thuốc và các thành phần phục vụ ngành y tế, đề nghị cho phép lưu thông, vận chuyển hàng hóa không nằm trong danh sách cấm lưu thông theo tinh thần trên cơ sở đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về phòng, chống dịch.
Lãnh đạo Hiệp hội Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc (KoCham) nêu đề nghị cần có chính sách vận tải rõ ràng với các sản phẩm nguyên liệu, xác định cụ thể thời gian dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành, miễn đóng các khoản bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp trong thời gian phải tạm ngừng hoạt động theo lệnh giãn cách.
Khuyến khích doanh nghiệp đề xuất mô hình sản xuất an toàn
Sau khi lắng nghe nhiều đề xuất, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cảm ơn sự chia sẻ, hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong thời gian TPHCM giãn cách xã hội chống dịch.
Về câu chuyện vắc xin được nhiều hiệp hội quan tâm, ông Phong nhắc lại mục tiêu của TPHCM là tiêm chủng cho 70% dân số từ 18 tuổi trong quý III. Riêng nhóm lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất hiện đã đạt tỷ lệ tiêm 85%.
TPHCM đã có kế hoạch tiêm mũi 2 cho 85% người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất đã tiêm mũi đầu và tiêm nốt 15% những người chưa tiêm. Công nhân của các doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp cũng được phủ vắc xin vì chủ trương của TPHCM là tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành.
"Tốc độ tiêm vắc xin hiện nay của thành phố trong điều kiện giãn cách xã hội có thể lên tới hơn 300.000 liều/ngày", ông Phong chia sẻ. Còn theo số liệu của cổng thông tin về Covid-19 tại TPHCM, kỷ lục tiêm chủng đạt 297.300 liều vào ngày 11/8.
Với vấn đề phân loại hàng thiết yếu, người đứng đầu UBND TPHCM cho biết sẽ tiếp thu ý kiến và liệt kê mặt hàng rõ ràng, cụ thể hơn. Ông Phong chia sẻ với các doanh nghiệp câu chuyện có thể hàng không thiết yếu với người này nhưng lại thiết yếu với người khác.
Riêng về vận tải hàng hóa, chủ tịch TPHCM nhấn mạnh TP chỉ không cho phép vận chuyển hàng hóa bị cấm lưu hành chứ không phân loại thiết yếu hay không. TPHCM chỉ tập trung quản lý phương tiện vận chuyển đảm bảo nhận diện, lưu thông trong đúng khung giờ cho phép.
"TPHCM mong các doanh nghiệp nước ngoài kiên trì, đặt niềm tin vào công tác chống dịch, tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trên con đường xây dựng thành phố", ông Phong kết luận.