Chủ tịch Tân Tạo đáp trả yêu cầu phá sản công ty: "Sự vô lý đến kinh ngạc"

Mai Chi

(Dân trí) - Bà Đặng Thị Hoàng Yến cho rằng, trong khi Tân Tạo có tổng giá trị tài sản là 13.273 tỷ đồng vậy mà chỉ vì một khoản giả mạo chiếm chưa tới 0,2% tổng giá trị tài sản để bị buộc phải công bố phá sản.

Sau khi xuất hiện thông tin Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán: ITA) nhận quyết định mở thủ tục phá sản của tòa án nhưng đã 4 năm (từ năm 2018 đến nay) vẫn chưa thực hiện công bố thông tin, bà Đặng Thị Hoàng Yến (hay Maya Dangelas) - Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn này - đã có đơn kêu cứu gửi lãnh đạo Nhà nước.

Chủ tịch Tân Tạo đáp trả yêu cầu phá sản công ty: Sự vô lý đến kinh ngạc - 1

Bà Đặng Thị Hoàng Yến (Maya Dangelas) - Chủ tịch HĐQT Tân Tạo tuyên bố khởi kiện ra Tòa án quốc tế (Ảnh chụp màn hình ĐHĐCĐ trực tuyến của Tân Tạo).

"Công ty Tân Tạo không có bất cứ giao dịch kinh tế nào với Công ty Quốc Linh"

Trong đơn, bà Yến cho biết, vào tháng 5, tháng 6, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã gửi nhiều công văn yêu cầu Tân Tạo công bố thông tin Tòa án mở thủ tục phá sản. Quyết định mở thủ tục phá sản số 56 ngày 25/1/2018 của Tòa án Nhân dân TPHCM căn cứ đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Quốc Linh.

Đơn của bà Đặng Thị Hoàng Yến khẳng định, Công ty Quốc Linh không đề nghị thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự mà yêu cầu mở thủ tục phá sản nhằm buộc Tân Tạo phải thanh toán 21,43 tỷ đồng (nợ gốc 14,31 tỷ đồng, lãi 7,11 tỷ đồng) theo bản án của Tòa án xét xử năm 2017. Năm 2011, Tòa án xét xử số tiền phải trả là 27,72 tỷ đồng (tiền lãi tăng lên 13,54 tỷ đồng).

Phía Tân Tạo cho hay, doanh nghiệp này đang đề nghị xem xét lại Bản án phúc thẩm số 01/2021/KDTM-PT ngày 5/1/2021 của TAND tỉnh Long An và Bản án sơ thẩm số 07/2020/KDTM-ST ngày 18/9/2020 của TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An theo thủ tục giám đốc thẩm tại TAND Cấp cao tại TPHCM vì cho rằng bản án sơ thẩm, phúc thẩm nêu trên có nhiều sai phạm.

Cụ thể, trong đơn kêu cứu, bà Đặng Thị Hoàng Yến nêu rõ, tại vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa nêu trên, Công ty Tân Tạo không có bất cứ giao dịch kinh tế nào với Công ty Quốc Linh. Công ty Tân Tạo chỉ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Cựu Tổng giám đốc VietNam Land bỏ trốn là chồng cũ Chủ tịch Tân Tạo

Tóm tắt về vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa đã được tòa án các cấp xét xử, bà Yến cho biết, Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Việt Nam (VietNam Land) và Công ty Quốc Linh ký các hợp đồng kinh tế để bơm cát san lấp khu Công nghiệp Tân Đức. VietNam Land đã thanh toán cho Quốc Linh tổng cộng 39,17 tỷ đồng. 

Tổng giám đốc VietNam Land bị sa thải vào tháng 5/2010 vì móc nối với các nhà thầu, kê khống khối lượng lên nhiều lần rút tiền công ty chia nhau thì đã bỏ trốn về Mỹ.

Ngày 9/12/2011, Công ty Quốc Linh bất ngờ có đơn khởi kiện VietNam Land tại TAND huyện Đức Hòa, Long An, yêu cầu VietNam Land phải trả cho Công ty Quốc Linh số tiền 14,31 tỷ đồng (bao gồm tiền nợ gốc, tiền phạt vi phạm hợp đồng và tiền mua vật tư xây dựng). Ngày 13/3/2012, TAND huyện Đức Hòa thụ lý vụ án kinh doanh thương mại số 05/TLST.KDTM giữa nguyên đơn là Công ty Quốc Linh, bị đơn là VietNam Land.

Sau quá trình khởi kiện của Công ty Quốc Linh và quá trình kháng cáo từ phía Tân Tạo kéo dài, đến tháng 7/2019, TAND Cấp cao tại TPHCM đã ra Quyết định giám đốc thẩm hủy bỏ toàn bộ 2 bản án sơ thẩm với lý do Tòa sơ thẩm, phúc thẩm buộc Công ty Tân Tạo liên đới cùng Vietnam Land trả tiền cho Công ty Quốc Linh là không có căn cứ pháp luật.

Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa dừng lại khi TAND huyện Đức Hòa vẫn xét xử và tuyên Bản án sơ thẩm số 07/2020/KDTM-ST ngày 18/9/2020 với nội dung chính được cho là tương tự Bản án sơ thẩm số 01/2007/KDTM-ST ngày 16/1/2017 đã bị TAND Cấp cao tại TPHCM hủy bỏ trước đó. Lý do Công ty Tân Tạo bị cho là phải liên đới cùng VietNam Land trả nợ cho Công ty Quốc Linh số tiền gốc và lãi là 27,72 tỷ đồng đến từ việc Tổng giám đốc bỏ trốn của VietNam Land là chồng cũ của Chủ tịch Công ty Tân Tạo nên phải có trách nhiệm.

Ngày 5/1/2021, TAND tỉnh Long An tuyên bản án phúc thẩm số 01/2022/KDTM-PT với nội dung giữ nguyên bản án sơ thẩm số 07/2020/KDTM-ST ngày 18/9/2020 của TAND huyện Đức Hòa.

Ngày 2/2/2021, Công ty Tân Tạo có đơn đề nghị xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm gửi TAND Cấp cao tại TPHCM.

Ngày 28/1/2022, Công ty Tân Tạo tiếp tục gửi văn bản số 117/CV-PL-ITACO-22 đến TAND TPHCM với nội dung nhắc lại đơn đề nghị giám đốc thẩm. Đến nay, theo thông tin từ phía lãnh đạo Công ty Tân Tạo, TAND Cấp cao tại TPHCM chưa có văn bản trả lời kháng nghị hay không kháng nghị giám đốc thẩm.

Theo bà Đặng Thị Hoàng Yến, việc buộc phá sản Công ty Tân Tạo không những dựa trên hồ sơ giả mạo và bất bình thường mà còn lộ rõ "sự vô lý đến kinh ngạc".

"Trong khi Công ty Tân Tạo có tổng giá trị tài sản là 13.273 tỷ đồng và là công ty niêm yết, công ty đầu đàn trong việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp của Việt Nam, vậy mà chỉ vì một khoản giả mạo chiếm chưa tới 0,2% tổng giá trị tài sản" bị buộc phải công bố phá sản - bà Yến bày tỏ. Đồng thời, Chủ tịch HĐQT Tân Tạo cũng cho biết, công ty này sẽ buộc phải khởi kiện ra Tòa án quốc tế.

Chủ tịch Tân Tạo đáp trả yêu cầu phá sản công ty: Sự vô lý đến kinh ngạc - 2

Cổ phiếu Tân Tạo đang có diễn biến rất tiêu cực (Ảnh chụp màn hình).

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ITA trong 2 phiên đầu tuần đã phải trải qua tình trạng bán tháo nghiêm trọng. Sáng nay (28/6), ITA tiếp tục giảm sàn về mức 7.720 đồng/cổ phiếu, dư bán sàn tới thời điểm 10h55 trên 26 triệu cổ phiếu trong khi mới chỉ khớp lệnh giá sàn chưa tới 1,7 triệu đơn vị.