Chủ tịch PAN Nguyễn Duy Hưng: Làm nông nghiệp "không nhanh, không vội được"

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Bắt tay với một đối tác được coi như "ông lớn" ngành nông nghiệp như CP Việt Nam, Chủ tịch PAN Nguyễn Duy Hưng đặt nhiều kỳ vọng. "Tôi tham, vừa muốn đi nhanh, lại vừa muốn đi xa", ông Hưng nói.

Tiềm năng ngành nông nghiệp còn rất lớn

Phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn PAN và C.P Việt Nam ngày 9/12, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết dư địa phát triển ngành nông nghiệp rất lớn.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, hiện số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn khá khiêm tốn với chỉ khoảng 1,48% trên tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp hiện nay. Ông kỳ vọng sắp tới con số này sẽ lớn. Việt Nam sẽ tạo nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sắc hơn.

Chủ tịch PAN Nguyễn Duy Hưng: Làm nông nghiệp không nhanh, không vội được - 1

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Ảnh: BTC).

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết, năm vừa qua, nông nghiệp vẫn là ngành đứng vững dù chịu tác động lớn từ Covid-19. Quý III tăng trưởng GDP âm 6,17% song nông nghiệp vẫn tăng trưởng dương 1,04%.

Tổng kết 11 tháng, ông Tiến cho biết, đa số các chỉ tiêu về sản xuất cũng như xuất khẩu ngành nông, lâm, thủy sản đều đạt hoặc vượt. Riêng xuất khẩu đạt, dù còn gần một tháng nữa mới hết năm nhưng xuất khẩu nông sản đã cán đích, đạt 43,5 tỷ USD. Dự báo cả năm xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ đạt khoảng 47 tỷ USD.

Đạt được kết quả như trên, theo ông Tiến, là sự nỗ lực từ nhiều bên, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp. Bởi "sức khỏe" của nông nghiệp sẽ khó khăn nếu doanh nghiệp gặp khó khăn.

Để ngành nông nghiệp đóng vai trò trụ đỡ, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đang khẩn trương trình Chính phủ chiến lược nông nghiệp 2021-2030. Với những tiềm năng tự nhiên lớn, ông Tiến hy vọng sẽ có những doanh nghiệp nông nghiệp lớn đầu tư.

Để đưa Việt Nam trở thành "bếp ăn" của thế giới, ông Tiến cho biết, cả PAN và CP Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh trong sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại, xuất khẩu nông sản.

CP Việt Nam đầu tư vốn sở hữu 25% cổ phần tại Sao Ta

Chia sẻ rất ngắn gọn tại lễ ký kết, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Tập đoàn PAN nói: "Người ra nói "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau". Nhưng tôi tham, vừa muốn đi nhanh, vừa muốn đi xa. Do vậy tôi chọn những đối tác cùng chí hướng với mình".

Chủ tịch PAN Nguyễn Duy Hưng: Làm nông nghiệp không nhanh, không vội được - 2

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Tập đoàn PAN: Tôi tham, vừa muốn đi nhanh lại vừa muốn đi xa (Ảnh: BTC).

Về lý do "bắt tay" cùng C.P Việt Nam, ông Hưng cho biết, đây là doanh nghiệp có nhiều điểm tương đồng như lấy người nông dân làm trung tâm của sự phục vụ; lấy tiêu chí phát triển bền vững theo chuẩn Liên Hiệp Quốc làm nền tảng phát triển doanh nghiệp và lấy sự hợp tác để làm con đường phát triển.

"Sống, tồn tại không thể "ăn" hết giá trị đời sau, phải tạo cơ hội để đời sau có thể gặt hái được, như thế hệ ông cha đã làm", ông Hưng nêu quan điểm về cách làm nông nghiệp của mình.

Trao đổi bên lề với Dân trí, ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh, đầu tư vào nông nghiệp là đầu tư dài hạn. "Nếu chỉ nghĩ ngắn hạn thì làm việc khác ra nhiều tiền hơn. Nhưng tôi muốn tạo ra giá trị hơn chỉ những con số, đó là lý do vì sao tôi đầu tư vào nông nghiệp. Nói như vậy không có nghĩa là nông nghiệp quá khó khăn đến mức độ không sinh lời, vẫn sinh lời, vẫn tốt, có lãi thì mới làm chứ", ông Hưng nói.

Chủ tịch PAN cũng nhấn mạnh thêm làm nông nghiệp "không nhanh, không vội được". Đặc biệt, theo vị này, làm nông nghiệp phải hướng tới trung tâm là những người nông dân. Kinh doanh là chia sẻ lợi ích. Với ngành nông nghiệp, lợi ích ít thì càng phải biết chia sẻ, tạo ra môi trường chung, cùng nhau phát triển, ông Hưng nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng giám đốc Tập đoàn PAN - cho biết thêm, Việt Nam chúng ta có trên 60% dân số sống bằng sản xuất nông nghiệp và hiện đang là một trong các trung tâm xuất khẩu nông sản ra thế giới, nhiều ngành hàng chúng ta đang ở top đầu như: lúa gạo, hạt điều, thủy sản…

"Tuy nhiên có một thực tế đáng buồn mà chúng ta những năm gần đây đã và đang nỗ lực cải thiện, đó là nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu chủ yếu cạnh tranh bằng sản lượng chứ chưa có được nhiều thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh chất lượng với thế giới", bà My trăn trở.

Theo Tổng giám đốc PAN, việc C.P Việt Nam đầu tư vốn sở hữu 25% cổ phần tại Sao Ta - công ty con của PAN - sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khác cho sự hợp tác giữa 2 bên.

Được biết, Tập đoàn Charoen Pokphand (C.P) Thái Lan đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988 với hình thức mở văn phòng đại diện tại TPHCM. Năm 1993, thành lập Công ty TNHH Chăn Nuôi CP. Việt Nam và xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Khu Công Nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đồng thời là trụ sở chính của Công ty cho đến ngày nay.

Hiện nay, C.P Việt Nam có hơn 101 chi nhánh trên toàn quốc và hơn 27.000 công nhân viên. C.P Việt Nam hiện có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, 2 nhà máy chế biến thủy sản tại Huế và tỉnh Bến Tre và 5 nhà máy chế biến thịt tại Hà Nội, Đồng Nai, TPHCM và Bình Phước.