Chủ tịch Nước:"Vụ Formosa, xử lý nghiêm minh các cá nhân có sai phạm liên quan"
(Dân trí) - Chất vấn trước các Đại biểu Quốc hội, cử tri TPHCM cho rằng, sao lại có sự "trớ trêu" khi 2 thanh niên cướp bánh mì bị xử lý hình sự trong khi 600 bánh heroin qua cửa hải quan "dễ ợt" và dự án lấp sông Đồng Nai gây ảnh hưởng dòng chảy nghiêm trọng mà vẫn để yên?
Đó là một trong những thắc mắc "nóng hổi" mà cử tri TPHCM đã gửi đến Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các Đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị số 1 trong buổi tiếp xúc cử tri Quận 3 vào chiều 1/8.
Một số cử tri bày tỏ sự lo lắng khi những giải pháp thúc đẩy kinh tế của Chính phủ chưa mang lại dấu hiệu tích cực mà tình trạng nợ công đang có dấu hiệu tăng cao, các địa phương không chủ động mà còn quá trông chờ vào "bầu sữa" Trung ương.
"Các địa phương hiện nay rất ít tự cân đối ngân sách mà phải xin Chính phủ. Cần giám sát sử dụng ngân sách. Đừng biến ngân sách như bình sữa béo bở. Ngân sách mà không cân đối thì chúng ta nghèo, nghèo mãi thôi", cử tri Lê Văn Dĩ nói.
Cử tri Vũ Trọng Quý thì cho rằng Quốc hội cần giám sát chính sách đầu tư của Chính phủ hiện nay. Không thể để chạy đua thành tích, tỉnh nào cũng có khu công nghiệp. Và hậu quả là hiện có nhiều khu công nghiệp "trơ gan cùng tuế nguyệt", lãng phí, kém hiệu quả. Cử tri này đề nghị Quốc hội cần "để mắt" đến những dự án có liên quan đến Trung Quốc như dự án Vân Đồn - Móng Cái, Boxit Tây Nguyên, Gang thép Thái Nguyên...
Trong khi các cử tri khác chất vấn về những giải pháp để phát triển kinh tế thì cử tri Lâm Ngọc Mạnh lo lắng về những biện pháp, cách thực thi chưa mang lại hiệu quả. Ông Mạnh cho rằng, hiện có nhiều cán bộ các cấp vô cảm, vô kỷ luật trong quản lý, điều hành dẫn đến thất thoát tiền khổng lồ của nhân dân.
"Tôi thấy sao cán bộ mình thiếu tinh thần trách nhiệm quá. Có việc cỏn con mà hết kính chuyển từ cấp này đến cấp khác. Các dự án đầu tư của nước ngoài mà điển hình là Formosa mà người dân 4 tỉnh miền Trung đang phải gánh chịu. 600 bánh heroin lọt cửa hải quan mà không ai phát hiện, lấp sông Đồng Nai (dự án do Công ty Toàn Thịnh Phát thực hiện tại P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa - PV) gây ảnh hưởng nghiêm trọng dòng chảy mà vẫn để yên, trong khi 2 em thanh niên ăn cắp ổ bánh mì mà vẫn xử lý hình sự", ông Mạnh bức xúc.
Cử tri này cho rằng, xử trí kiểu "nhất bên trọng, nhất bên khinh" như thế này là mang tội với dân, chà đạp lên xương máu của người khác.
Trả lời các ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Đảng, Chính phủ đang tích cực các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế trên cơ sở nhanh nhưng bền vững.
Trường hợp như nhà máy thép Formosa (Hà Tĩnh) là sự cố ô nhiễm môi trường hết sức nghiêm trọng, là thảm họa. Hậu quả không chỉ trước mắt mà lâu dài. Bộ Chính trị, Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết, khẩn trương điều tra nguyên nhân và yêu cầu nhà đầu tư thừa nhận sai phạm, cam kết hỗ trợ, thay đổi công nghệ để không tái diễn các sự cố tương tự. Nếu nhà máy này tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý.
"Cơ quan chức năng đang tích cực điều tra và xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật Việt Nam. Đồng thời, Trung ương, Chính phủ đang tiến hành chỉ đạo kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các cá nhân dẫn đến sự cố nghiêm trọng môi trường vừa qua và sẽ phải xử lý nghiêm minh", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Qua thảm họa môi trường mà Formosa gây ra, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, "đây là bài học đắt giá của chúng ta".
"Kêu gọi đầu tư nhưng không chấp nhận mọi giá. Trải thảm đỏ nhưng vẫn bảo đảm độc lập chủ quyền, lợi ích, an ninh, môi trường, cuộc sống của nhân dân. Sắp tới, sẽ rà soát lại tất cả những dự án nước ngoài", Chủ tịch nước nói.
Công Quang