Chủ tịch Lã Vọng bất ngờ rút vốn; vợ con ông Trần Phương Bình mất trắng nghìn tỷ
(Dân trí) - Đáng chú ý nhất tuần qua phải kể đến việc ông Lê Văn Vọng - đại gia sở hữu xe Rolls-Royce tứ quý 5 bất ngờ thoái toàn bộ vốn tại Tập đoàn Lã Vọng, sau khi có Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện các dự án của tập đoàn này. Ngoài ra, vợ con ông Trần Phương Bình sau nửa tháng mất trắng cả nghìn tỷ đồng cũng được nhiều độc giả đón đọc.
Đại gia Rolls-Royce biển số 15555 rút vốn khỏi Tập đoàn Lã Vọng
Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện các dự án của CTCP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng cùng các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội, đại gia Lê Văn Vọng đi xe Rolls-Royce biển số 15555 bất ngờ đã thoái toàn bộ vốn của mình ở Tập đoàn Lã Vọng cũng như Công ty Ngôi Nhà mới.
Ngoài ra, Công ty Ngôi nhà mới và Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Louis (hai doanh nghiệp có liên quan đến Tập đoàn Lã Vọng) đã đồng loạt thoái vốn khỏi Công ty Hoàng Mai vào tháng 2.2018.
Nguyên nhân chính là bởi, thời gian qua, báo chí liên tiếp phản ánh việc doanh nghiệp này được ưu ái nhiều khu “đất vàng” để thực hiện dự án bất động sản, sản xuất kinh doanh, giao thông theo hình thức hợp đồng BT. Trong đó, có một số dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Tuy nhiên, theo đại diện của Công ty Lã Vọng thì Công ty Cổ phần Lã Vọng Group và Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới là hai pháp nhân độc lập, Ngôi Nhà Mới không phải là thành viên của Lã Vọng.
Bên cạnh đó, vào cuối tháng 2/2018, ông Lê Văn Vọng cũng đã hoàn tất thủ tục thoái vốn tại Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới. Trong khi tại Công ty CP Lã Vọng, ông Vọng cũng đã thực hiện thoái vốn từ cuối tháng 1/2018.
Như vậy, ông Lê Văn Vọng thoái vốn khỏi hai công ty này diễn ra trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra các dự án của Công ty Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn TP. Hà Nội.
Bầu Đức “ế” nặng trái phiếu
Chỉ bán được 22 trái phiếu trong số 221.710 trái phiếu đăng ký chào bán, tương ứng tỉ lệ thành công chỉ đạt chưa tới 0,01%, có thể nói chủ trương bán trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu của bầu Đức đã “phá sản”.
Tuy nhiên, chủ tịch HĐQT HAGL Agrico, ông Đoàn Nguyên Đức lạc quan cho biết, đối với lượng trái phiếu chưa phân phối hết, công ty này dự định sẽ bán với mức giá không thấp hơn giá chào bán cho cổ đông hiện hữu kèm với các điều kiện chuyển đổi tương tự như cổ đông hiện hữu.
Cổ phiếu của bầu Đức vẫn ế nặng
Cụ thể, mức giá chào bán sẽ là 10 triệu đồng/trái phiếu. Trái phiếu này có thời hạn 1 năm, lãi suất 0% và không được bảo lãnh. Tỷ lệ chuyển đổi là 1:1.000 (tức là 1 trái phiếu chuyển đổi sẽ được đổi thành 1.000 cổ phiếu HNG tại thời điểm chuyển đổi) với giá chuyển đổi 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tính khả thi của việc phát hành hơn 2.200 tỷ đồng trái phiếu vẫn là mối băn khoăn của nhà đầu tư. Trên thực tế, khi công ty này công bố kế hoạch thì giá cổ phiếu HNG trên sàn vẫn còn đang giao dịch dưới ngưỡng 10.000 đồng.
Do đó, với mức giá chuyển đổi nói trên, cổ đông hiện hữu sẽ phải chịu rủi ro không ít. Hơn nữa, sau khi chuyển đổi, giá HNG trên sàn sẽ bị pha loãng.
Vợ con ông Trần Phương Bình mất trắng nghìn tỷ
Cổ phiếu PNJ sáng ngày 3/7 tiếp tục giảm thêm 3.000 đồng, tương ứng mất 3,7% còn 78.000 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên giảm thứ 7 liên tiếp của mã này (tính từ phiên 25/6, mã này có tới 2 phiên giảm sàn).
Nguyên nhân giảm giá của PNJ bên cạnh yếu tố tiêu cực của thị trường chung còn xuất phát từ những mối lo ngại của nhà đầu tư về sự ảnh hưởng của vụ DongA Bank dù trong báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán như Bản Việt, HSC đều cho rằng, vụ án tại DongA Bank sẽ không ảnh hưởng hoặc chỉ ảnh hưởng đến tâm lý ngắn hạn với cổ phiếu PNJ.
Sự sụt giảm liên tục theo kiểu “không cầm được máu” này khiến bà Cao Ngọc Dung với khối lượng cổ phiếu đang nắm giữ tại công ty là 14,95 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 9,22%) cùng hai con là Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Thảo đang sở hữu xấp xỉ 9 triệu cổ phiếu PNJ, trong chỉ hơn nửa tháng đã mất gần 982 tỷ đồng.
Sếp nữ Eximbank dự chi hơn 200 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu
Bà Lương Thị Cẩm Tú, Thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã chứng khoán EIB) vừa thông báo đăng ký mua vào 14 triệu cổ phiếu EIB, tương ứng tỷ lệ 1,4% vốn điều lệ ngân hàng này.
Bà Lương Thị Cẩm Tú đầu tư 200 tỷ cho cổ phiếu
Hiện nay, cá nhân bà Tú chưa nắm giữ bất kỳ cổ phiếu EIB nào và hoạt động mua vào cổ phiếu của lãnh đạo Eximbank được cho biết với mục đích đầu tư.
Nếu chốt giá theo phiên giao dịch ngày 2/7, trong bối cảnh thị trường giảm mạnh, cổ phiếu EIB cũng đánh mất 200 đồng tương ứng 1,4% xuống còn 14.300 đồng/cổ phiếu. Với mức thị giá đó, bà Tú sẽ phải dự chi trên 200 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phiếu trên.
Chứng khoán lại "đỏ lửa", Cường đô la bỗng "vui trở lại"
Tính đến phiên 4/7, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai đã có tới 4 phiên giảm liên tiếp mặc dù trong phiên này, chỉ số VN-Index tăng gần 9 điểm.
Thế nhưng, điều bất ngờ đã đến khi chốt phiên 5/7, QCG tăng giá 1,3% lên 8.000 đồng bất chấp 224 mã “đỏ lửa” trên sàn TPHCM (HSX), trong đó có 23 mã “lau sàn”.
Thế Hưng