Chủ tịch EVNNPT: “Muốn quản trị doanh nghiệp bằng văn hóa”

“Công việc của người EVNNPT rất vất vả, nếu chỉ quản trị bằng quy trình, quy định thì nỗi vất vả đó sẽ như bị nhân lên. Còn nếu quản trị bằng văn hóa, khi người lao động EVNNPT tin vào những giá trị cốt lõi thì những công việc vất vả, khó khăn đó sẽ trở thành sứ mệnh mà người EVNNPT muốn làm, muốn cống hiến, là niềm tự hào của người EVNNPT…”.

Đó là trao đổi của ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia với bà Thu Huệ - Giảng viên chuyên ngành Văn hóa doanh nghiệp của Viện Quản trị và Công nghệ FSB, Đại học FPT - người đã đồng hành với EVNNPT trong vai trò giảng viên, đưa 5 giá trị cốt lõi của Văn hóa “EVNNPT” đến với người lao động của EVNNPT. PV VOV có cuộc trao đổi với bà Thu Huệ nhân Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10/11/2019):

Chủ tịch EVNNPT: “Muốn quản trị doanh nghiệp bằng văn hóa” - 1

Bà Thu Huệ - Chuyên gia về VHDN cùng ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV EVNNPT và ông Bùi Trọng Giao - Chuyên gia về VHDN tham gia Hội thảo Giá trị cốt lõi của Văn hóa EVNNPT

PV: Thưa bà Thu Huệ, là một giảng viên đồng hành với các khóa học của cán bộ nhân viên EVNNPT về Văn hóa doanh nghiệp, bà đánh giá như thế nào về 5 giá trị cốt lõi của doanh nghiệp này ?

Bà Thu Huệ: Giá trị cốt lõi của DN cần dựa trên 3 quy tắc: Nguyên tắc 1: Nên là giá trị ngầm định của doanh nghiệp, tức là những giá trị hiện có, được nhiều người tin và hành động theo. Giá trị này cũng là mong muốn và phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp. Nguyên tắc 2 là Tập trung vào một tiền đề trọng tâm, một mục tiêu chung. Thứ 3 là: Nên đặt 1 mục tiêu cho những giá trị cốt lõi.

Đối chiếu những nguyên tắc đó vào 5 giá trị cốt lõi của NPT, tôi thấy, đây là bộ GTCL rất hợp lý. Đầu tiên là rất dễ nhớ, là 5 chữ T: Tuân thủ, Tôn trọng, Trách nhiệm, Tận Tâm, Tin tưởng, tôi nghe một lần là nhớ ngay. 5T cũng rất phù hợp với triết lý ngũ hành của văn hóa phương Đông. Các giá trị Tuân thủ, Trách nhiệm, Tận tâm rất phù hợp với người truyền tải điện và là những giá trị hiện có của NPT vì trong nghề này, sự Tuân thủ và Trách nhiệm là vô cùng quan trọng, còn sự Tận Tâm là một cấp độ cao hơn, nhân văn hơn, là kim chỉ nam cho hành động trong những tình huống chưa có trong các quy định, quy chế.

Bên cạnh đó, giá trị Tôn trọng và Tin tưởng mang tính bổ sung và liên kết rất cao, mang đến giá trị cho mỗi CBNV. Khi họ Tuân thủ, Trách nhiệm, Tận tâm thì họ sẽ được Tôn trọng, Tin tưởng. Tất cả các giá trị đều hướng đến  trọng tâm là tạo nên sự tin tưởng vào người NPT. Người NPT luôn tin tưởng vào người khác để tuân thủ và tôn trọng và họ cũng luôn trách nhiệm, tận tâm để được người khác tôn trọng, tin tưởng. Bộ giá trị cốt lõi này cũng hướng đến sứ mệnh chung của NPT là Truyền niềm tin. Thực sự là rất phù hợp.

 PV: Bà cảm nhận như thế nào về cách thức triển khai cũng như sự tiếp nhận những giá trị cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp của tập thể người lao động EVNNPT?

Bà Thu Huệ: Khi đến với EVNNPT là tôi phải nghiên cứu về tài liệu , cách làm của Tổng công ty. Tôi nhận thấy rằng, cách triển khai của EVNNPT đang là sự kết hợp đồng thời giữa 2 phương pháp, vừa tác động đến nhận thức để tạo ra hành vi vừa đưa chuẩn hành vi vào hệ thống quản trị để điều chình hành động, tạo thói quen của CBNV theo các giá trị cốt lõi. Sự kết hợp đồng thời cả 2 phương pháp này sẽ đẩy nhanh hơn tiến trình xây dựng VHDN và giữ được sự bền vững hơn. Đặc biệt là có sự tham gia rất mạnh của đội ngũ lãnh đạo, vừa làm gương, vừa trực tiếp đào tạo… nên quá trình xây dựng VHDN được lan rộng rất nhanh.

PV: Thưa bà, tôi rất muốn nhấn mạnh đây là một DN nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực hết sức đặc thù, mà rất nhiều người vẫn dùng từ “độc quyền” để nói về họ. Thế nhưng, qua việc xây dựng “những giá trị cốt lõi” của DN này và đồng hành với họ trong việc đưa những giá trị ấy đến với từng người lao động, xin được hỏi suy nghĩ của bà như thế nào về cách làm của họ - với tư cách là một người hoạt động trong một tập đoàn kinh tế tư nhân là FPT và là một giảng viên về văn hóa doanh nghiệp?

Bà Thu Huệ: Nói thật với các bạn, khi tôi được EVNNPT đặt vấn đề mời đến chia sẻ về VHDN, ý nghĩ đầu tiên của tôi là: DNNN à, chắc là làm theo phong trào thôi. Và tôi khá thờ ơ vì tôi chỉ muốn đồng hành với DN quan tâm thực sự. Nhưng khi tiếp xúc thêm sau đó và nghe đề bài của EVNNPT thì tôi giật mình: Hóa ra EVNNPT làm thật. Và tôi khá ngạc nhiên về điều này. Tôi đã hỏi thẳng anh Chủ tịch rằng “DN của anh là DNNN, không có sự cạnh tranh, tại sao anh phải vất vả đêm ngày với việc phát triển văn hóa doanh nghiệp?”… Câu trả lời của anh ấy rất giản dị: “Anh muốn quản trị DN bằng văn hóa. Công việc của người EVNNPT rất vất vả, nếu chỉ quản trị bằng quy trình, quy định thì nỗi vất vả đó sẽ như bị nhân lên. Còn nếu quản trị bằng văn hóa, sẽ khiến người EVNNPT tin vào những giá trị cốt lõi thì những công việc vất vả, khó khăn đó sẽ trở thành sứ mệnh mà người EVNNPT muốn làm, muốn cống hiến, là niềm tự hào của người EVNNPT. Khi đó, mọi vất vả mệt nhọc sẽ trở thành niềm vui, sự tự nguyện… Công tác quản trị sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Hiện tại, sau mấy năm triển khai VHDN, anh đã cảm thấy được hiệu quả của nó”.

PV: Vậy theo bà, người đứng đầu doanh nghiệp có vai trò như thế nào trong xây dựng VHDN như thế nào?

Bà Thu Huệ: Có thể nói là quyết định. Tất cả những doanh nghiệp có VH mạnh đều là do người đứng đầu. Đến NPT, Tôi đã được chứng kiến sự tận tâm của anh chủ tịch Đặng Phan Tường, được nghe kể về tâm huyết của anh và khi nói chuyện với anh thì tôi nhận thấy sự hiểu biết rất sâu sắc của anh về công tác phát triển VHDN, đặc biệt là anh đặt mục tiêu quản trị DN bằng VH. Với FPT thì tôi đã từng làm trực tiếp với anh Trương Gia Bình. Anh Bình là người chủ trì tập hợp chúng tôi vào đội ngũ viết FPT Gene, FPT way, thiết kế nên hệ thống VH FPT và chúng tôi chỉ việc thực hiện theo. Còn anh Vượng ở VinGroup, anh Hùng ở Viettel cũng đều là những người trực tiếp viết ra nền tảng văn hóa của Tập đoàn mình. Tôi chưa nhìn thấy DN nào có VH mạnh mà ko cần người đứng đầu phải tham gia vào một cách sâu sắc cả.

Qua câu chuyện của EVNNPT tôi đã cảm nhận được hiệu quả của VHDN đối với sự phát triển của một DNNN. Và tôi đã thay đổi quan điểm, tôi nghĩ DNNN thì lại càng cần xây dựng VHDN hơn bởi lâu nay, nhiều người đang định kiến với DNNN. Các DNNN cần phải nỗ lực để thay đổi các định kiến, để chứng minh rằng, con người của các DNNN thực sự là những người có văn hóa, tích cực.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

                                                              Theo: Nguyên Long (VOV)