Chủ tịch Agribank: “Chúng tôi không giấu nợ xấu!”

Năm 2011, nợ xấu của Agribank ngược dòng xu hướng với khẳng định của ông Chủ tịch là không có sự che giấu.

Chủ tịch Agribank: “Chúng tôi không giấu nợ xấu!” - 1
 
Sáng 10/1/2012, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) có cuộc gặp gỡ báo chí. Tại đây, tình hình hoạt động trong năm 2011 được ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên, đưa ra khá chi tiết.

 

Như những lần gặp gỡ báo chí gần đây, nợ xấu của Agribank là một nội dung chính mà ông Bảo đề cập đến. Nếu giữa năm 2011, nợ xấu của ngân hàng này gây quan ngại khi ở mức cao với khoảng 6,7%, hơn gấp đôi mức bình quân của hệ thống (khoảng 3%).

 

Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, tình hình nợ xấu của ngân hàng này đã có chuyển biến, ngược dòng với xu hướng chung - theo thông tin ông Bảo đưa ra.

 

Tính đến hết tháng 10/2011, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã tăng từ khoảng 3% cuối năm 2010 lên 3,39%. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước từng dự tính đến cuối năm 2011 có thể tăng lên 3,8 - 3,9%. Tại nhiều ngân hàng thương mại, xu hướng tăng lên của nợ xấu cũng thể hiện rõ trong năm qua. Trong khi đó, đến hết năm 2011, nợ xấu của Agribank đã giảm được đáng kể, còn khoảng 6% so với 6,7% hồi giữa năm.

 

“Về nợ xấu, trong bối cảnh nền kinh tế như vậy thì đây là con số tương đối thực. Chúng tôi không che giấu nợ xấu. Quan điểm của chúng tôi là trong kinh doanh ngân hàng thì có rủi ro, nhưng phải chủ động phát hiện để làm rõ và chủ động xử lý, quản lý rủi ro”, ông Bảo nói.

 

Trong những thông tin trước đây, nợ xấu của ngân hàng lớn nhất Việt Nam này được chú ý ở rủi ro liên quan đến cho vay ở lĩnh vực bất động sản. Đây cũng là trọng tâm là Agribank xử lý trong 6 tháng cuối năm 2011. Còn ở lĩnh vực kinh doanh chính là nông nghiệp và nông thôn, nợ xấu lại ở mức thấp, dưới 1,5%.

 

Nếu chỉ chú trọng ở “khoảng sân” truyền thống, nợ xấu của Agribank sẽ tốt hơn hiện nay. Điều này cũng được ông Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh ở quan điểm tăng cường tín dụng cho mảng này, đồng nghĩa với thu hẹp tỷ trọng ở những mảng nhạy cảm khác.

 

Nếu 6 tháng đầu năm 2011, tín dụng của Agribank nhìn chung không tăng trưởng, thì nửa cuối năm đã được đẩy mạnh và tính chung đạt 7%. Kết quả này có từ sự dịch chuyển nguồn vốn giải ngân; riêng tín dụng nông nghiệp và nông thôn tăng khoảng 14%. Tính chung cả năm, tỷ trọng tín dụng phục vụ nông nghiệp và nông thôn của ngân hàng này đã được nâng lên khoảng 70%, thay cho mức quanh 60% trước đó.

 

Ông Bảo cho biết, trong năm qua khối lượng tín dụng cho lĩnh vực này là khoảng 25.000 tỷ đồng, có sự “điều chuyển” khoảng 20.000 tỷ đồng từ cho vay khu vực tiêu dùng, bất động sản và chứng khoán sang. Theo đó, nhu cầu và bức xúc về vốn ở mảng nông nghiệp và nông thôn đã bớt căng hơn trước.

 

“Năm qua chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn, nhưng tiếng kêu từ các địa bàn về vốn cho nông nghiệp và phát triển nông thôn lại ít hơn. Năm ngoái, khi làm Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, bản thân tôi nhận được những tiếng kêu đó nhiều hơn, và chúng tôi chuyển xuống Agribank. Năm nay thì việc chuyển những yêu cầu đó đã ít hơn”, ông Bảo dẫn chứng.

 

Ngoài sự dịch chuyển từ Agribank cùng mức tăng trưởng tín dụng riêng nhóm yêu cầu này khoảng 14%, thì ông Bảo cho rằng các ngân hàng thương mại khác cũng đã có sự tập trung vốn hơn, có sự cạnh tranh mạnh hơn trước đây.

 

Và một dẫn chứng khác được đưa ra là năm 2011 Agribank xây dựng hạn mức 5.000 tỷ đồng giải ngân trong lĩnh vực cà phê, 5.000 tỷ đồng cho thu mua lúa gạo xuất khẩu và 3.000 tỷ đồng cho xuất khẩu thủy hải sản, nhưng gần như những hạn mức đó đều sử dụng không hết, thậm chí chỉ đạt khoảng 1/3.

 

Tuy nhiên, nhu cầu và bức xúc vốn ở lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn vẫn còn. Nhưng Chủ tịch Agribank cho rằng chủ yếu là các nhu cầu vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, vốn huy động của Agribank chủ yếu là ngắn hạn, “room” cho vay trung và dài hạn của ngân hàng đã đầy với khoảng 46%.

 

Ngoài chuyển động của nợ xấu, ông Bảo cũng cho biết trong năm 2011 Agribank ghi nhận một chuyển biến quan trọng là về hệ số an toàn vốn (CAR). Nếu trong năm 2010 hệ này chỉ trên dưới 6% thì đến cuối năm nay đã 8% - mức quy định hiện hành áp riêng cho Agribank (với các ngân hàng thương mại khác tối thiểu phải là 9%).

 

Theo Minh Đức

VnEconomy