Chủ nợ phát sốt khi đại gia "chúa chổm" chuyển giao tài sản cho con
(Dân trí) - Năm 2012 ông Lâm Ngọc Khuân, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) đã sang Mỹ định cư, để lại món nợ “khủng” cho nhiều ngân hàng, nhưng mới đây từ Mỹ ông lại có giấy ủy quyền hàng loạt tài sản cho con trai đang ở Việt Nam.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Lý do mà ông Huy đưa ra là Cty CPTP Phương Nam còn nợ ông trên 3,2 tỷ đồng chi phí xây dựng tòa lâu đài nói trên ở phường 7, TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) nhưng cơ quan chức năng ở Sóc Trăng lại lập thủ tục chuyển quyền sử dụng tài sản này cho Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Sóc Trăng.
Theo hồ sơ, khi vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Công ty Phương Nam được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vào cuối năm 2012 thì ông Lâm Ngọc Khuân bị khởi tố với tội danh trên và bỏ ra nước ngoài điều trị bệnh không về nước, hiện đang bị truy nã.
Tuy nhiên, ngày 15-1-2013, ông Khuân cùng vợ Trần Thị Mỹ đã đến Văn phòng công chứng tại quận Orange (bang Califonia, Hoa Kỳ) để ủy quyền hàng loạt bất động sản ở Sóc Trăng cho con trai Lâm Ngọc Khoa (ngụ TPHCM) trong đó có 4 thửa đất tổng diện tích là 38.998m2 tọa lạc tại ấp An Thành, thị trấn Kế Sách (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) thuộc loại đất trồng cây lâu năm và thửa đất có tổng diện tích 4.033,7m2 xây tòa lâu đài nằm trên quốc lộ 1A, thuộc khóm 2, phường 7 (TP Sóc Trăng), cạnh Nhà máy thủy sản Phương Nam.
Lô đất cỏ mọc um tùm của "đại gia thủy sản" ở Thị trấn kế Sách, huyện Kế Sách, Sóc TrăngTheo Giấy ủy quyền, ông Khoa được cha mẹ giao toàn quyền định đoạt các thửa đất có giá trị ở Sóc Trăng như nêu trên. Nếu bán, ông Khoa chuyển tiền cho vợ chồng ông Khuân. Giấy ủy quyền có giá trị đến hết năm 2022. Trong khi đó, đại gia thủy sản này đang bị truy nã vì trong thời gian điều hành Nhà máy thủy sản Phương Nam để công ty nợ các ngân hàng gần 1.600 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Dân, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng cho biết, Vietcombank Sóc Trăng có được chuyển quyền sở hữu nhà, đất của vợ chồng ông Khuân hay không là thẩm quyền xem xét của UBND tỉnh Sóc Trăng.
Tuy nhiên, trong Công văn 1248 do ông Nguyễn Hoàng Dân – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Sóc Trăng ký gửi Công ty Bách Nam thì hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất của Vietcombank Sóc Trăng có đầy đủ các thủ tục, điều kiện theo Điều 23 Thông tư 17 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đăng ký chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Từ đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng hướng dẫn Công ty Bách Nam khởi kiện Công ty Phương Nam ra tòa đòi nợ.
Còn Tổng giám đốc Công ty Phương Nam Nguyễn Minh Trí cho biết, tòa lâu đài của ông Lâm Ngọc Khuân là tài sản của Nhà máy thủy sản Phương Nam. Trước đây công ty bảo lãnh cho vợ chồng ông Khuân thế chấp tài sản vay trên 38 tỷ đồng và Vietcombank định giá tài sản để thu hồi nợ là 42 tỷ đồng.“Bây giờ Ngân hàng muốn lấy tài sản thì phải trả tiền cho nhà thầu xây dựng. Tôi đã có đề nghị này nhưng chưa được Vietcombank chấp thuận”, ông Trí cho biết thêm.
Theo quan điểm của nhiều luật sư, vụ án tại Công ty Phương Nam chưa kết thúc. Việc ông Khuân uỷ quyền cho con định đoạt tài sản thì luật pháp không cấm nhưng cần phải xem xét việc uỷ quyền này sau khi cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam đã khởi tố vụ án và bị can đối với ông Khuân. Ông Khuân ủy quyền cho con trai định đoạt nhiều tài sản gồm nhà, đất ở Việt Nam là có dấu hiệu tẩu tán tài sản. Theo đó, tòa lâu đài của ông Khuân nếu được chuyển quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác mà chưa thanh toán dứt điểm chi phí xây dựng cho Công ty Bách Nam thì lợi ích của nhà thầu này bị xâm hại.
Liên quan đến tài sản của ông Khuân, hiện nay, một nhà máy thủy sản Phương Nam có vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng ở thị trấn Kế Sách (huyện Kế Sách-Sóc Trăng) đang trong tình trạng “đắp chiếu”, không đi vào hoạt động. Nhà máy này nằm trên thửa đất rộng hơn 13.000 m2 được đại gia thủy sản ủy quyền cho con trai Lâm Ngọc Khoa. Ngoài ra còn có hai thửa đất gần đó chỉ để cho cỏ mọc um tùm, còn thửa đối diện Nhà máy Phương Nam rộng trên 23.200 m2 được một cán bộ địa phương trồng chuối và làm lúa.