Chủ nghĩa bảo hộ - mối lo ngại trong lòng châu Âu
(Dân trí) - Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jose Manuel Barroso, vừa qua đã lên tiếng gay gắt chỉ trích 1 số nước thành viên có biểu hiện lạm dụng vị thế quốc gia để che chắn thị trường nội địa một cách không chính đáng.
Ông Barroso cho biết lãnh đạo liên minh EU sẽ có biện pháp xử phạt bất kì nước nào có ý định thực hiện chính sách bảo hộ quốc gia. “Mục tiêu chúng ta nhắm tới là lợi ích của cả cộng đồng chung châu Âu chứ không phải lợi ích của riêng mỗi quốc gia nào”.
Lãnh đạo Liên minh tỏ ra lo ngại trước hành động của chính phủ 1 số nước thành viên nhằm cản trở các quá trình sát nhập liên châu Âu.
Đầu tiên phải kể đến việc chính phủ Pháp vội vã lên kế hoạch sát nhập công ty tư nhân Suez với công ty nhà nước Gaz de France trong lĩnh vực năng lượng, ngay sau khi công ty Enel của Ý đề nghị Suez sát nhập cùng hoạt động và phát triển.
Rõ ràng, dụng ý của Pháp trong trường hợp này là tạo một liên minh quốc gia trước khi các nước thành viên EU thực hiện cam kết mở cửa thị trường năng lượng vào năm sau.
Không lâu trước đó các nhà lãnh đạo EU cũng buộc phải có biện pháp khuyên cáo Ba Lan khi chính phủ nước này cố ý can thiệp vào quá trình sát nhập trong lĩnh vực ngân hàng.
Vụ chuyển nhượng ngân hàng HVB của Đức cho ngân hàng Unicredito của Ý với số tiền 20 tỷ euro bao gồm cả việc sát nhập hai ngân hàng Pekao và BPH của Ba Lan. Tuy nhiên, chính phủ Ba Lan đã ngang nhiên bác bỏ vụ sát nhập này. Hành động đó đã bị chỉ trích là vi phạm nguyên tắc cạnh tranh và nguyên tắc thị trường tự do nội khối.
Tháng sau liên minh châu Âu sẽ trình bày luật dự thảo quy định về vấn đề mở cửa thị trường dịch vụ xuyên suốt 25 nước nội khối. Theo ông Barroso, đó sẽ là tiền đề quan trọng cho việc củng cố sự vững chắc của thị trường liên minh cũng như chấm dứt hoàn toàn rào cản thương mại giữa các quốc gia thành viên.
Hải Minh
Theo BBC