1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chống rửa tiền: Thế nào? Ra sao?

Rửa tiền là quá trình "hợp thức hoá" mọi nguồn thu bất chính từ các hành vi phạm tội mà có, rửa tiền được xem là loại tội phạm phát sinh bởi hành vi rửa tiền được thực hiện với mục đích tẩy rửa nguồn gốc bất hợp pháp của số tiền có được do các hành vi tội phạm khác.

Trước thực trạng ngày càng gia tăng của loại tội phạm nguy hiểm này, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo Nghị định chống rửa tiền để trình Chính phủ thông qua.

Trao đổi với báo giới, luật sư Lê Thanh Sơn - Văn phòng Luật sư AIC (AIC- Lawyers & Consultants), người đã nghiên cứu khá kỹ vấn đề này, nói:

- Không thể khẳng định là Việt Nam không có hoạt động rửa tiền, có thể ở hình thức này hay biến thể khác nhưng rõ ràng chúng ta đang phải đối mặt với loại tội phạm nguy hiểm này. Vụ Lê Thị Mai sử dụng tiền thu được từ hoạt động buôn ma túy đầu tư dưới danh nghĩa của Công ty Viet-Can Resorts & Plantation vào tỉnh Khánh Hòa là một ví dụ.

Hiện nay, các tổ chức quốc tế như IMF, WB đánh giá như thế nào về thực trạng rửa tiền ở Việt Nam?

Một quốc gia với nền kinh tế đang phát triển, hệ thống tư pháp và tài chính ngân hàng đang trong quá trình hoàn thiện, đại đa số người dân có thói quen thanh toán tiền mặt, các vấn nạn chưa được kiểm soát một cách có hiệu quả, đó là những điểm rất dễ bị “lợi dụng” để tội phạm rửa tiền phát triển.

Trước thực trạng đó, các tổ chức quốc tế đã có những hoạt động rất thiết thực để hỗ trợ Việt Nam về tài chính và kinh nghiệm để có thể đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm rửa tiền.

Việc chống rửa tiền ở Việt Nam chưa thật sự hiệu quả?

Cũng cần phải nói rằng không giống như các loại tội phạm khác, chống tội phạm rửa tiền là một loại tội phạm mới, nghĩa là việc đấu tranh chống tội phạm rửa tiền cần được thực hiện song song với việc đấu tranh với các loại tội phạm nguồn khác.

Tuy nhiên, theo tôi, “tính thiếu hiệu quả” trong các hoạt động chống rửa tiền tại Việt Nam cơ bản là do chúng ta thiếu một khung pháp luật hoàn thiện và một cơ chế kiểm soát đồng bộ và hiệu quả.

Dự thảo có đưa ra biện pháp nào hữu hiệu hơn?

Dự thảo Nghị định chống rửa tiền lần này về cơ bản đã làm được cả hai việc là: tạo một cơ sở pháp lý tập trung, thống nhất và một thiết chế chuyên trách để chúng ta đấu tranh hiệu quả với tội phạm rửa tiền.

Mặc dù theo tôi vẫn còn một số điểm cần cân nhắc như đặt việc xây dựng các qui định chuyên về chống rửa tiền tại một văn bản qui phạm pháp luật là nghị định có tương xứng với yêu cầu thực tiễn của việc đấu tranh phòng chống loại tội phạm này và thông lệ quốc tế hay không?

Việc kiểm soát nguồn tiền được đặt ra như thế nào, thưa ông?

Chống rửa tiền: Thế nào? Ra sao? - 1
  

Các giao dịch hơn 200 triệu đồng

trong ngày cần được kiểm soát.

Trong dự thảo đã đưa ra những qui định kiểm soát nguồn tiền. Chẳng hạn, các giao dịch được coi là đáng ngờ cần kiểm soát là hơn 200 triệu đồng trong ngày đối với tiền mặt, vàng hoặc ngoại hối, hơn 500 triệu đồng trong một ngày đối với tiền gửi tại các tài khoản tiết kiệm... Dự thảo nghị định còn qui định danh mục các giao dịch đáng ngờ để tạo điều kiện cho việc giám sát các giao dịch “nhạy cảm” dễ dẫn đến các hành vi rửa tiền.

Những qui định như vậy có gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư?

Tất nhiên là có hai mặt. Quan trọng là chúng ta không làm khó các nhà đầu tư mà tạo ra một môi trường đầu tư “sạch”. Chúng ta phải nỗ lực hết mình để hạn chế tối đa sự phiền hà của thủ tục hành chính, tiếp tục có những qui định khuyến khích và bảo hộ đầu tư hợp pháp như hiện nay chúng ta đang làm.

Hệ thống tài chính và các ngân hàng có thể kiểm soát các nguồn tiền?

Chắc chắn, và chúng ta phải phấn đấu để làm được điều này bởi tính lành mạnh của các hoạt động tài chính – ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả kiểm soát và phòng chống các hành vi tội phạm trong lĩnh vực này, trong đó có rửa tiền.

Ngoài hệ thống ngân hàng, làm sao kiểm soát...?

Mới đây Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra dự thảo về nghị định thanh toán tiền mặt, trong đó có qui định hạn mức thanh toán tiền mặt áp dụng đối với các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước và các tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước lần lượt là 10 và 15 triệu đồng.

Nghĩa là vẫn còn “lỗ hổng’’ rửa tiền ngoài hệ thống ngân hàng?

Đương nhiên, cái đó không tránh được! Do vậy chúng ta phải làm thế nào từng bước hòa nhập được với thế giới, áp dụng các công nghệ ngân hàng, các hệ thống thanh toán hiện đại đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân dùng tài khoản bằng cơ chế tài chính như lãi suất ưu đãi...

Những kinh nghiệm hay của nước ngoài?

Có thể nói họ có cơ chế đấu tranh chống tội phạm rửa tiền hiệu quả hơn mình cả về các qui định pháp luật và thiết chế thực thi. Chúng ta có thể học tập rất nhiều ở những nước này trong việc phòng chống các hoạt động rửa tiền như cơ chế giám sát và phát hiện các hành vi rửa tiền thông qua hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt là của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều có những đặc thù rất riêng trong cuộc đấu tranh chống tội phạm rửa tiền, đó cũng chính là lý do mà Lực lượng đặc nhiệm chống rửa tiền (FATF) đã đưa ra những khuyến nghị cho các quốc gia thành viên thay vì qui định những điều khoản ràng buộc. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải học tập có chọn lọc căn cứ vào đặc thù của mình.

Việc dự thảo qui định Trung tâm thông tin phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước có hợp lý?

Với một số nước, đây là cơ quan đặc trách của Chính phủ (còn gọi là tình báo tài chính), không nằm trong ngân hàng trung ương. Ở Mỹ là cơ quan trực thuộc tổng thống. Về nguyên tắc như thế nó sẽ hoạt động khách quan, độc lập hơn. Nếu quan chức cao cấp của ngân hàng vi phạm thì họ là người điều tra.

Với cơ chế quản lý của Việt Nam hiện nay, chúng ta nên để nằm trong Ngân hàng Nhà nước. Vì những người trong ngành ngân hàng mới hiểu sâu sắc hoạt động giao dịch trong ngân hàng, có kinh nghiệm và khả năng để kiểm soát nguồn tiền.

Nhưng đến một giai đoạn nào đó, hoạt động thị trường tín dụng đi vào nề nếp, có qui củ thì chúng ta có thể tách ra thành cơ quan độc lập, bởi ngân hàng không phải là hệ thống duy nhất mà các hoạt động rửa tiền có thể diễn ra.

Theo những gì ông vừa nói, việc sớm tạo lập khung pháp lý để phòng chống rửa tiền hiện nay là cần thiết và cấp bách?

Đó là việc chúng ta cần làm đầu tiên và trước nhất để bảo vệ mình và để hội nhập. Chúng ta không thể chống rửa tiền và nói đến tính hiệu quả của hoạt động đó trong khi pháp luật của chúng ta cho đến nay chưa có một khái niệm thống nhất thế nào là rửa tiền.

Đây là cái thiếu. Cái thiếu này làm chính chúng ta thiệt và các doanh nghiệp của chúng ta thiệt. Đơn cử như hiện nay có đến ba ngân hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển và Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu xin lập Văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ đều bị từ chối, nguyên nhân duy nhất là do Việt Nam chưa có luật về chống rửa tiền. Bởi đây là một yêu cầu bắt buộc của Cục Dự trữ liên bang Mỹ mà các ngân hàng của chúng ta không thể giải trình và cũng không thể “tự mình vượt khó” được, bởi rõ ràng chúng ta chưa có một văn bản pháp luật riêng biệt như vậy về chống rửa tiền.

Không chỉ như vậy, những qui định về chống rửa tiền cũng chính là một trong số các nội dung pháp luật hết sức được quan tâm trong quá trình chúng ta đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, trong quá trình các quốc gia và các tổ chức quốc tế xem xét hợp tác và viện trợ cho Việt Nam.

Chính vì vậy, chúng tôi rất mong đợi Chính phủ nhanh chóng ban hành nghị định chống rửa tiền, bởi chúng ta cần có cơ chế để đấu tranh với tội phạm rửa tiền và cũng cần hội nhập quốc tế.

Theo Tuổi trẻ