“Chống lạm phát mới chỉ làm mạnh ở ngân hàng”
(Dân trí) - Các giải pháp chống lạm phát vừa được Ngân hàng nhà nước (NHNN) đưa ra hiệu quả đến đâu? Thị trường chứng khoán, bất động sản “bất lợi” ra sao trước điều chỉnh của các ngân hàng?... Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN.
Thưa ông, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các giải pháp như nâng cao tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, bắt buộc mua tín phiếu trên 20.000 tỉ đồng, tăng lãi suất gửi tiết kiệm… nhằm hút tiền về. Ông đánh giá như thế nào về những giải pháp này?
Lạm phát vừa qua là do các nguyên nhân tăng tiền, do giá quốc tế và thiên tai, dịch bệnh. Hai nguyên nhân giá quốc tế và dịch bệnh là bất khả kháng, mình chỉ tạo điều kiện thích nghi, khắc phục.
Riêng nguyên nhân tiền có 5 kênh: Do ta bỏ tiền ra mua USD vào với số lượng lớn trong một thời gian ngắn; tiền vay tín dụng tăng lên nhanh do yêu cầu sản xuất, kinh doanh… nguồn vốn nước ngoài vào “dềnh” lên; hiệu quả đầu tư của ta không cao dẫn tới hệ số hiệu quả (ICO) “kéo” ra, gấp đôi các nước khu vực; tài khóa bội chi…
Từ thực tế này khi xử lí phải xử lí đồng thời 5 yếu tố mà mục đích để làm thế nào để rút được tiền về.
Riêng về ngân hàng, qui luật là khi tết bán ra, sau tết thu về, nhưng năm nay tiền không vào. Do thị trường đang khan hiếm tiền, lạm phát cao, các doanh nghiệp cần vốn để tung ra để kinh doanh, mua bất động sản, mua vàng… mà không gửi tiền ngân hàng.
Người dân thấy lạm phát cao, lãi suất tiết kiệm thấp nên chưa gửi tiền lại. Trong mấy ngày đầu năm rất căng về tiền cho các ngân hàng hoạt động, cho sản xuất, kinh doanh, cho các dự án, cho đầu tư và phát triển…
Trong khi đó Ngân hàng nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ là tất cả các biện pháp thu tiền về phải được thực hiện đã giao ba chính sách. Nếu về lí thuyết đơn thuần, phải chống lạm phát, phải rút tiền về thì kênh đó làm là đúng.
Chỉ có một vấn đề là làm dồn dập 3 giải pháp cùng một lúc, làm trong điều kiện lạm phát đang tăng, tiết kiệm không vào… Các ngân hàng sẽ thiếu vốn và thiếu vốn thì ảnh hưởng đến sản xuất.
Ba bài đưa ra là đúng, nhưng khi áp dụng, liều lượng thế nào, mức độ thế nào, phối hợp thế nào cho phù hợp. Thứ hai, lạm phát có 5 kênh nguyên nhân về tiền, không thể chỉ làm “ba cuộc” ngân hàng được, phải làm đồng thời, làm tiếp tục, cùng chiều, tất cả các giải pháp khác thì mới có khả năng kéo xuống và phục vụ sản xuất phát triển.
Đầu tư không hiệu quả cũng là thủ phạm gây lạm phát cần được “mổ xẻ” lúc này, thưa ông?
Đầu tư dàn trải, kéo dài, chi phí lớn dẫn đến thời gian đưa vào sản xuất kéo dài, chậm ra sản phẩm, chi phí cao, đẩy hệ sộ ICO lớn lên.
Thay vì trước đây đầu tư 3 thì được 1 GDP, nay 5 - 5,6 đầu tư mới được 1 GDP. Khi tiền đã đưa ra phải tạo ra hàng, phải cân đối trở lại, nhưng lại không tạo ra hàng, mất hút đi, tiêu phí đi, không có gì trả lại thì sẽ tạo nên lạm phát.
Chính phủ đã rất quan tâm chống lạm phát và đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng tại sao lạm phát vẫn cao?
Các giải pháp trước đây đã có kết quả, nhưng nếu phải nói tổng thể, việc giải quyết tất cả các kênh chống lạm phát còn chưa đồng bộ, thiếu tập trung và không có sự hỗ trợ lẫn nhau.
Ví dụ anh ngân hàng vừa rồi làm rất mạnh, cái đó không sai, tất nhiên liều lượng mình phải xem lại, thời điểm phải hợp lí, nhưng mình ngân hàng không giải quyết được. Thậm chí, nếu để “van” rối, nó tắc, nó phình ra những vấn đề khác.
Cũng cần nói thêm, việc giá thế giới cao tác động đến nền kinh tế đã được chúng ta dự báo, nhưng giá dầu lên nhanh qua mức 100 USD/thùng cũng là cái mới.
Tương tự, trước đây ta nói là có tác động của thời tiết, nhưng cái rét đậm vừa qua cũng là cái mới. Dẫu vậy, nhìn chung những vấn đề này nằm trong khuynh hướng nhận định, không có gì đột ngột lắm.
Chỉ có điều tình hình kinh tế thế giới không khả quan như mình nhận định cho năm 2008 cũng tác động hơi xấu hơn, nhưng nó tác động đến khu vực và Việt Nam của chúng ta cũng ở mức nhất định.
Tất cả các biện pháp của ngành ngân hàng đã và đang thực hiện để chống lạm phát, đặc biệt là việc siết chặt cho vay chứng khoán đã tác động lập tức khiến thị trường tụt dốc không phanh, thưa ông?
Trước đây, chứng khoán có nguồn vốn vào thông qua cho vay ở các ngân hàng, giống như như dòng máu tiếp vào. Giờ đây ngân hàng hạn chế lại, thậm chí “co” rất nhanh thì thị trường này rất khó khăn.
Tất nhiên, khó khăn của thị trường chứng khoán còn nhiều yếu tố nữa, kể cả các dịch vụ, năng lực quản lí, năng lực cán bộ, khả năng điều hành… cũng như vấn đề cổ phần hóa phải mạnh mẽ, đồng đều, nhịp nhàng cho thị trường có hàng để vận động.
Việc siết lại cho vay kinh doanh bất động sản cũng đang gây ra lo ngại về việc thị trường “xì hơi” nhanh chóng gây tác động xấu đến nền kinh tế?
Chúng ta đã cho vay tăng đột ngột dẫn đến đầu cơ, sinh lời. Nếu chúng ta không điều chỉnh, khi việc tăng giá đến mức quá cao sẽ có lúc nào đó bị “rơi”. Việc siết lại để đề phòng rơi, nhưng phải có sự phân loại.
Những anh nào đóng góp vào phát triển xã hội, cung cấp nhà ở cho người dân cần tạo điều kiện cho làm vì nhu cầu nhà ở vẫn còn rất lớn. Có nghĩa là chúng ta không làm “tàn lụi”, chỉ chặn những anh có thể gây tai họa bằng biện pháp kinh tế.