Choáng với dự án:"Lên trời gọi mưa" và "sáng kiến": Tăng lương cho Bộ trưởng

(Dân trí) - Chính phủ và các bộ, ngành luôn rộng mở đối với các ý kiến, đề xuất đóng góp trí tuệ và tâm huyết cho đất nước song gần đây có khá nhiều doanh nghiệp (DN) có những đóng góp chẳng giống ai, gây "choáng" dư luận và không có sự thuyết phục làm mất khá nhiều thời gian công sức để các cơ quan chuyên môn phải giải trình, tiếp thu và phản hồi.

Dự án dị - độc "lên trời gọi mưa"

Còn nhớ, tháng 9/2016, ông Phan Đình Phương, Tổng giám đốc Công ty An Sinh Xanh (tại Đà Nẵng) đã có đơn đề nghị Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ xem xét chủ trì tổ chức cuộc họp với 7 bộ để bàn riêng về dự án “Lên trời gọi mưa” của mình.

Tác giả của đề xuất gây ồn ào Lên trời gọi mưa
Tác giả của đề xuất gây ồn ào "Lên trời gọi mưa"

Ý tưởng dự án của ông Phương xuất phát từ việc ông thấy người dân khốn khổ khi ruộng đồng nứt nẻ, lúa chết khô. “Sau một đêm trăn trở, suy nghĩ, tôi quyết định bắt mây phải mưa để người dân có nước chống hạn từ việc vận dụng kiến thức phun nước ở cầu Rồng”, ông Phương nói.

“Cha đẻ” của dự án có tên gọi khác lạ này cũng xin tạm ứng khẩn số tiền khổng lồ 5.000 tỷ đồng để kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hóa chất thử nghiệm vào ngày 10/10/2016.

Dù là đề nghị không giống ai, nhưng Văn phòng Chính phủ vẫn tiếp nhận ý tưởng của ông Phương và có công văn đề nghị 7 bộ cùng tham gia với "cha đẻ dự án cầu mưa" nói trên.

Ngay sau khi thông tin "dự án lên trời gọi mưa" được báo chí đưa tin, rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận đã đặt nghi ngờ về tính khoa học của đề án có một không hai, thậm chí nhiều người còn hài hước ví von người lên ý tưởng này là "truyền nhân" của Gia Cát Khổng Minh trong Tam Quốc chí của Trung Quốc.

Nhiều độc giả phản hồi về tính khoa học, cho rằng đây chỉ là đề xuất "tếu" bởi ngay cả các nước phát triển như Mỹ, Nhật hay EU hiện nay bằng công nghệ mới chưa thể gọi được mưa, ngoại trừ biện pháp mưa nhân tạo với chi phí rất tốn kém. Nhiều người cho đề xuất của ông Phương là “vỹ cuồng", “hoang tưởng”, “phi thực tế” hay sự lộng ngôn, ảo tưởng, viển vông khiến xã hội và các nhà quản lý mất thời gian, công sức.

"Xin chưa cho", doanh nghiệp phê "buồn cười quá" gửi Chính phủ

Nửa cuối tháng 8/2017, một DN tại Hà Nội lại gây chú ý dư luận khi có 3 lần xin đứng ra thay Tổng Công ty Đường sắt để làm chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên (Dự án đang tạm dừng triển khai).

Dự án đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên (minh hoạ)
Dự án đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên (minh hoạ)

Các văn bản của công ty này được gửi lên Văn phòng Chính phủ, theo nguyên tắc Văn phòng Chính phủ phải gửi về các bộ chuyên ngành lấy ý kiến trước khi có thông tin phản hồi. Tuy nhiên, viện lý do văn bản đề nghị của mình gửi Thủ tướng chưa được xem xét lại bị chuyển cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Gia Bảo (Hà Nội) đã có bút phê "Buồn cười quá" gửi Thủ tướng.

Ngay sau đó, công ty có bút phê "buồn cười quá" liên tiếp có 2 đề xuất gây sốc nữa là xin đầu tư mở rộng đường 1A đoạn qua Thường Tín theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, điều "buồn cười quá" ở chỗ, số tiền dự toán bán đất "âm" theo chính sách đổi đất lấy hạ tầng của Nhà nước, công ty Gia Bảo tính sẽ âm hơn 40 tỷ đồng so với tổng vốn bỏ ra đầu tư đường.

Vào cuối tháng 8/2017, công ty có bút phê "buồn cười quá" tiếp tục có văn bản bày tỏ nguyện vọng tham gia đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. Với hai đề xuất này, được biết Bộ Giao thông Vận tải đã có ý kiến tiếp thu và yêu cầu phía công ty Gia Bảo giải trình, chứng minh năng lực.

Tuy nhiên, theo thông tin của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nôi, Công ty Gia Bảo là công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhà, chủ yếu là xây dựng lại các khu tập thể cũ tại Hà Nội. Công ty này cũng mới thành lập năm 2000 và có vốn điều lệ 120 tỷ đồng.

Lo Bộ trưởng không nuôi đủ 2 con ăn học, đề xuất tăng lương

Gần đây, dư luận lại dậy sóng khi Công ty Cổ phần Phòng và Tránh thiệt hại ngân sách (trụ sở tại Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) có văn bản đề xuất tăng lương cho các Bộ trưởng, Uỷ viên Trung ương. Công ty này cho hay với mức lương của Thủ tướng và các Bộ trưởng, các Ủy viên Trung ương là 15 triệu đồng/tháng hiện nay là thấp, chưa đảm bảo cuộc sống cho Bộ trưởng nếu có 2 con nhỏ ăn học.

Công ty này kiến nghị cần bổ sung lương "liêm chính" cho các Ủy viên Trung ương mỗi người từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng/người/tháng. Hơn 5.000 người có chức vụ sau các Uỷ viên Trung ương với mức lương "liêm chính" từ 10 - 20 triệu đồng/tháng.

Theo một số chuyên gia, việc mở cửa với sáng kiến, tiếp nhận đề xuất của nhân dân của Chính phủ khá cởi mở và thể hiện năng lực của Chính phủ kiến tạo. Tuy nhiên, những đề xuất, sáng kiến cần dựa trên thực tế, có cơ sở khoa học, tuân thủ pháp luật và đúng - trúng vấn đề được nêu. Điều này vừa thể hiện trí tuệ của cá nhân, cơ quan có sáng kiến, vừa giúp các cơ quan quản lý hiểu rõ, dễ hình dung.

Nhiều chuyên gia cho rằng, người dân, DN không nên lợi dụng chính sách để đưa ra những đề xuất kiểu "khua chiêng, múa trống" và ghi danh nhằm gây chú ý dư luận, phản khoa học, không thuyết phục gây mất thời gian của cơ quan quản lý Nhà nước đi giải trình, thuyết minh.

Cũng ngay sau khi thông tin về đề xuất tăng lương cho Bộ trưởng và các Uỷ viên Trung ương được Dân Trí đăng tải, nhiều độc giả đã gửi phản hồi.

Độc giải Lê Tuấn Anh tỏ ra ngỡ ngàng: "Giờ tôi mới biết có cái công ty này! Nghe lạ và ngồ ngộ. Nhưng xem lại kiến nghị đưa ra thì thấy có gì đó lại...khùng khùng". Còn độc giả Thanh Bình nói: "Chẳng có ông Bộ trưởng nào ở nhà cấp 4 đâu mà lo hộ thu nhập của các ông ấy không nuôi được 2 con ăn học".

Nguyễn Tuyền (Tổng hợp)