Choáng ngợp với "kho tàng" 50 nghìn cổ vật và 5 căn nhà cổ của "Hưng đồ cổ"
(Dân trí) - "Cuộc đời tôi như một cuốn tiểu thuyết, tôi làm đủ nghề để sống và khi đến với đồ cổ lại là niềm đam mê chẳng thể nào thay đổi được", anh Nguyễn Hải Hưng, ở Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) chia sẻ.
Đến khu 3, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, hỏi thăm "Hưng đồ cổ", ai cũng biết. Người đàn ông này đang sở hữu kho tàng với 50 nghìn cổ vật và 5 căn nhà cổ quý giá mà nhiều người ao ước có được.
Sinh ra ở vùng quê nghèo chiêm trũng huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), anh Nguyễn Hải Hưng (sinh năm 1968) từ nhỏ đã thiếu thốn đủ bề. Gia đình đông con, học hết lớp 4 anh đã phải theo cha đi làm thuê để kiếm sống.
Năm 1985, anh cùng gia đình rời quê hương lên huyện Vĩnh Lộc để lập nghiệp. Đến năm 1990, anh quyết định thay đổi số phận bằng nghề đi buôn lợn, cũng từ đó anh bén duyên với nghề buôn đồ cổ.
Anh kể: "Ngày đó đi buôn lợn cũng có thu nhập tạm ổn. Tôi đi khắp các huyện, thị để mua bán lợn, rồi mở lò mổ. Sau lợn rồi đến trâu, bò, nói chung tôi là người nông dân nên hễ thấy công việc tạo được lợi nhuận mà không vi phạm pháp luật là làm. Cuộc đời tôi như một cuốn tiểu thuyết, tôi làm đủ nghề để sống và khi đến với đồ cổ lại là niềm đam mê chẳng thể nào thay đổi được".
Đó là trong một lần đi buôn lợn, anh Hưng tình cờ được một ông chủ buôn đồ cổ thuê chiếc xe mink của mình đi chở đồ cổ, với số tiền thù lao cao gấp bội so với việc đi buôn. Một, hai rồi nhiều lần như thế, anh chuyển sang đi chở hàng thuê. Vốn là người nhạy bén, anh nảy ra ý tưởng đi tìm mua đồ cổ để bán kiếm lời.
"Tôi đến với đồ cổ như vậy đấy. Từ những chiếc bát, cái chum, đến tượng đồng các loại…Hễ nghe thấy ở đâu đào được là tôi lại tìm đến để hỏi mua. Cứ như thế, tôi trở thành một người buôn đồ cổ từ bao giờ không hay", anh Hưng thổ lộ.
Đến nay, sau 30 năm hành nghề, tại "bảo tàng" nhỏ của anh đang có hơn 50 nghìn cổ vật và 5 căn nhà cổ đáng giá bạc tỷ. Đây là những món đồ mà anh sưu tầm làm kỉ niệm và sẽ đi theo anh suốt cuộc đời còn lại.
Nói về hàng vạn cổ vật đang sở hữu, anh Hưng cho hay: "15 năm trước, tôi là một người buôn đồ cổ, tất cả cũng vì kinh tế. 15 năm trở lại đây, tôi mong muốn sẽ lưu giữ những món đồ này chỉ với suy nghĩ giữ lại nét đẹp của thời gian cho con cháu sau này. Những món đồ cổ đối với tôi là vô giá, mong rằng con cháu sau này khi nhìn vào sẽ thấy được vẻ đẹp lao động của cha ông ta từ xa xưa để lại".
Theo anh Hưng, hơn 50 nghìn cổ vật mà anh đang có đều là những tài sản quý giá mà anh sưu tầm khắp các tỉnh thành trên cả nước, trong đó nhiều nhất vẫn là hai huyện Thọ Xuân và Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Các cổ vật mà anh sở hữu có niên đại từ hàng chục đến hàng trăm năm ở nhiều triều đại Việt Nam và Trung Quốc.
Trong đó, có giá trị lớn là chiếc ấm tổ ong thời nhà Hồ, ấm đầu rồng đuôi vẹt nhà Lý, bát men ngọc nhà Trần (có dấu ấn ở giữa), bát có 4 chữ Thiên hạ thái bình nhà Hồ...
"Trong hành trình đến với cổ vật, không phải lúc nào cũng gặp may. Có những lúc mua món đồ với hàng chục triệu đồng bán ra hàng trăm triệu, nhưng có những lúc lại lỗ to. Tôi có được như ngày hôm nay là do tất cả những gì đúc rút và học hỏi, tìm tòi mà ra. Không gì là không thể, chính công việc của mình sẽ đốc thúc mình học hỏi nhiều hơn về nó, đồ cổ cũng vậy, nếu không tìm hiểu thì sẽ chẳng có giá trị", anh Hưng tâm sự về nghề.
Không chỉ đam mê với cổ vật, anh Hưng còn sưu tầm 5 căn nhà cổ từ thời Khải Định Tam Niên và Thành Thái Thất Niên. Hiện, anh đang sử dụng những căn nhà cổ này để làm "bảo tàng" trưng bày các cổ vật mà mình có được.
Đây cũng là kho tàng quý giá mà anh ấp ủ suốt nhiều năm, và là điểm tham quan hấp dẫn của nhiều du khách mỗi khi có dịp ghé thăm Thành nhà Hồ nơi đây. Năm 2019, anh Hưng được Chủ tịch UBND tỉnh Bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa.