Cho vay vốn: “Nếu minh bạch thì chẳng có gì ghê gớm”

(Dân trí) - “Nếu tạo được minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp (DN), công khai báo cáo, số liệu tài chính thì ngân hàng sẽ đánh giá được hiệu quả của dòng tín dụng cho vay. Từ đó tài sản thế chấp hay việc vay vốn chẳng có gì là ghê gớm cả”.

Các chuyên gia cho rằng, nông nghiệp và khởi nghiệp hiện đang khó tiếp cận tín dụng của ngân hàng. (Ảnh: Hồng Vân)
Các chuyên gia cho rằng, nông nghiệp và khởi nghiệp hiện đang khó tiếp cận tín dụng của ngân hàng. (Ảnh: Hồng Vân)

Đó là nhận định của ông Đào Đình Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại hội thảo Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng được tổ chức chiều nay (20/4).

Đồng tình với ông Tú, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng nguyên nhân chính khiến cho việc vay vốn của DN còn thấp là do còn nhiều vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý. Trong đó, nông nghiệp và khởi nghiệp hiện đang là hai vấn đề còn khó khăn khi tạo điều kiện tiếp cận tín dụng.

“Khuôn khổ pháp luật hiện hành làm cho nông nghiệp và DN khởi nghiệp rất khó tiếp cận những nguồn vốn tín dụng của ngân hàng để phát triển. Nếu cho vay mà mọi việc đều hình sự hóa thì không thể thực hiện được”, ông Lộc nói.

Hơn nữa, Chủ tịch VCCI dẫn chứng, đối với ngành nông nghiệp, nếu tài sản thế chấp không tính quyền sử dụng đất mà chỉ tính nhà xưởng thì thì rất khó để người dân có thể tiếp cận tín dụng vì tài sản của họ là cánh đồng, là cây con, là vật nuôi, là dòng tiền tạo ra trong tương lai,...

Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho hay, đây không phải trách nhiệm của ngân hàng vì nếu luật pháp không có gì cải cách thì không thể tháo gỡ được.

Theo đó, ông Tú cho biết, cách thức xử lý vấn đề tiếp cận tín dụng và cải cách thủ tục hành chính cần đột phá để thúc đẩy tín dụng cho ngành nông nghiệp và khởi nghiệp.

“Vấn đề tăng cường tiếp cận tín dụng của DN và nông dân với ngân hàng là câu chuyện không mới nhưng không bao giờ cũ. Làm thế nào để tháo gỡ được những vướng mắc trong thủ tục pháp lý để họ tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn, vay vốn được nhiều hơn là câu hỏi cần cả Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với VCCI ngồi lại để bàn bạc”, ông Lộc cho hay.

Ngoài ra, theo ông Võ Trí Thành, bên cạnh nông nghiệp thì sáng tạo khởi nghiệp cũng là vấn đề sống còn trong tương lai. Đây là hai mảng cần cố gắng làm và làm cho tốt về vấn đề khuôn khổ pháp lý để tiếp cận tín dụng dễ hơn.

Hồng Vân

Cho vay vốn: “Nếu minh bạch thì chẳng có gì ghê gớm” - 2