Cho người nước ngoài mua nhà: Quốc tế mở, sao Việt Nam lại không?

(Dân trí) - Chính phủ vừa có kế hoạch tổng kết 5 năm thí điểm chính sách cho tổ chức cá nhân nước ngoài mua nhà, sở hữu nhà tại VN theo Nghị quyết 19 của Quốc hội và xin Quốc hội sửa đổi bổ sung vào Luật Nhà ở hoặc bổ sung Nghị quyết trên.

Việc sửa luật, hoặc bổ sung sẽ được đề nghị theo hướng mở rộng đối tượng và tạo thuận lợi hơn về điều kiện mua và sở hữu.
 
Cho người nước ngoài mua nhà: Quốc tế mở, sao Việt Nam lại không?
Giới chuyên gia và các nhà quản lý đều cho rằng nên nới lỏng các quy định giới hạn đối tượng người nước ngoài mua và sở hữu nhà
 
Nghị quyết của Quốc hội đã mở ra cánh cửa cho những người nước ngoài đầu tư, sinh sống, làm việc tại Việt Nam có cơ hội mua và sở hữu nhà. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn khá ngặt nghèo của Nghị quyết khiến số lượng thực tế những người mua được nhà là khá nhỏ. Qua 5 năm thực hiện, chỉ có 427 người nước ngoài mua được nhà tại VN, con số khá nhỏ so với hơn 80.000 người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại VN.
 
Có thể thấy, các quy định, điều kiện và giới hạn đối tượng của VN còn bó hẹp hơn rất nhiều so với các nước, kể cả các quốc gia "đất chật người đông" như Nhật Bản, Singapore.

Theo nghiên cứu của Credit Suisse tại một số quốc gia châu Á những năm gần đây thì luôn có mối quan hệ chặt chẽ giữa các chính sách sở hữu BĐS và sự tăng trưởng phát triển ổn định của thị trường này. Một số nước tại Châu Á đã trải qua những thay đổi đáng kể từ khi áp dụng các chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS giúp cải thiện ngành BĐS nói riêng cũng như toàn bộ nền kinh tế nói chung. Những nước và vùng lãnh thổ có chính sách rộng mở nhất đối với việc cho phép người nước ngoài mua BĐS như Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Hong Kong… cũng là những nước có thị trường BĐS lớn mạnh và bền vững bậc nhất.

Tại Singapore, người nước ngoài được mua nhà thương mại không hạn chế, chỉ không được mua nhà xã hội. Không những không có hạn chế nào đối với việc người nước ngoài sở hữu căn hộ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang khủng hoảng, Singapore lại mở rộng luật về sở hữu bất động sản cho người nước ngoài và cho phép người nước ngoài được mua cả biệt thự gắn liền với đất ở những khu vực được quy hoạch (biệt thự đất nền tại đảo Sentosa), nhắm đến những nhà đầu tư nước ngoài. Người nước ngoài mua nhà bị đánh thuế hằng năm tùy theo giá trị căn nhà. Nhờ đó, thị trường BĐS càng phát triển và nhà nước thu được nhiều thuế. Và đó đã trở thành một thành công vang đội của BĐS Singapore.

Khảo sát cho thấy, giá nhà tại Singapore đã tăng ổn định sau khi có các quy định tự do hóa giao dịch BĐS cho người nước ngoài. Đảo quốc sư tử đã đón nhận làn sóng người nước ngoài đổ về, trong đó có nhiều người nước ngoài thích mua nhà hơn là phải đối mặt với giá thuê leo thang, đặc biệt khi họ sẽ còn ở lại Singapore không chỉ vài ba năm. Theo ước tính những năm gần đây, mỗi quý tại Singapore có từ 1000 – 2000 giao dịch mua nhà của người nước ngoài. Và thống kê của Coldwell Banker Singapore, trong năm 2010 – 2012 cho thấy, tỷ lệ người Việt mua nhà ở Singapore đã chiếm khoảng 3,2% các giao dịch BĐS của đảo quốc này. Hồng Kông cũng có chính sách và sự thành công tương tự Singapore.

Một quốc gia láng giềng khác, cùng khối ASEAN với Việt Nam là Malaysia cũng có những kinh nghiệm tuyệt vời về chính sách cho người ngước ngoài mua nhà. Đây là một trong những nước có quy định rộng mở nhất trong khu vực về vấn đề người nước ngoài mua căn hộ, đặc biệt là nhà đất. Ngành BĐS Malaysia đã trải qua một thời gian tăng trưởng rất ổn định trong nhiều năm một phần nhờ nhà đầu tư nước ngoài đóng góp đặc biệt cho các dự án bất động sản cao cấp. Malaysia chỉ có quy định về giá tối thiểu của căn hộ mà người nước ngoài có thể mua mà không hề có hạn chế loại hình bất động sản mà người nước ngoài có thể mua. Người mua BĐS ở Malaysia đến từ nhiều nước tại Châu Á, như Singapore, Indonesia, Hong Kong, Nhật Bản, Ấn Độ và gần đây, sô người đến từ chấu Âu cũng tăng lên. Các nhà đầu tư nước ngoài và những người nghỉ hưu thường có xu hướng lựa chọn Kuala Lumpur. Ngoài ra có những vùng khác thu hút người mua nước ngoài như ở ngoại ô, khu vực yên tĩnh, phong cảnh đẹp.

Đặc biệt, gần đây, Malaysia còn có một chương trình là Malaysia My Second Home (MM2H) - một chương trình định cư quốc tế cho phép người nước ngoài sống tại đây với visa lên tới 10 năm, với một số điều kiện nhất định. Tương tự, các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland cũng đã công bố về kế hoạch cấp cho người nước ngoài giấy phép cư trú dài hạn nếu mua bất động sản với mức giá khởi điểm theo quy định. Theo các chuyên gia, đây là một biện pháp thay thế hấp dẫn và nên được áp dụng nếu không thể hoàn toàn cho phép cá nhân và tổ chức nước ngoài được quyền mua bất động sản tại Việt Nam.

Một ví dụ khác là thị trường BĐS Nhật Bản. Bất cứ cá nhân quốc tịch nước ngoài nào đều có thể mua hợp pháp BĐS ở Nhật Bản mà không bị hạn chế gì. Nước này không có bất kỳ yêu cầu nào về tình trạng thường trú. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu rất đơn giản và không bị phụ thuộc gì cả. Chính sự bùng nổ gần đầy của giá bất động sản và sự giảm bớt quy định hạn chế đối sở hữu nước ngoài về BĐS tại Nhật Bản đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng như doanh nhân làm việc nước ngoài đến nước này tham gia vào thị trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia, so với hầu hết các nước ASEAN, Việt Nam hiện đang có những quy định chặt chẽ bậc nhất trong vấn đề bán và sở hữu nhà ở của người nước ngoài. Do quá “rắn”, giới hạn quyền sở hữu và khu biệt hạn hẹp đối tượng NNN được mua bán, sở hữu dẫn đến tình trạng chính sách “có như không”. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đã đề nghị Chính phủ nhân dịp sửa đổi chính sách này nên mạnh dạn mở rộng cơ chế để không chỉ người nước ngoài đang làm việc sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mới được mua nhà mà mọi NNN có nhu cầu đều có thể tham gia.

Nói về vấn đề này,ông Bùi Kiến Thành, một chuyên gia tài chính Quốc tế cho rằng:  “Hầu khắp các quốc gia đã hội nhập trên thế giới này đều có chính sách cho người nước ngoài mua nhà một cách cởi mở. Việt Nam không nên là ngoại lệ. Người nước ngoài mua nhà rồi cũng không thể nào mang nước được. Hơn nữa, đâu phải họ mua nhà rồi thì muốn làm gì trong đó cũng được, chúng ta còn có những quy định pháp luật khác để ràng buộc về mặt an ninh trật tự, quốc phòng. Ở đây đừng sợ phát sinh tiêu cực xã hội, vấn đề quan trọng là tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng mua nhà”.
 
Trước đó, trao đổi với Dân trí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng nên nới lỏng quy định các đối tượng người nước ngoài được phép mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. "Các nước tiên tiến đều làm thế cả, chúng ta cũng hoàn toàn có thể làm được. Cái nhà vẫn nằm đó, chứ họ có bê về nước họ được đâu", Thứ trưởng Nam cho biết.
 
Các đối tượng người nước ngoài và điều kiện được mua và sở hữu nhà tại VN
 
1. Cá nhân nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó;

2. Cá nhân nước ngoài có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương; cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng quyết định;

3. Cá nhân nước ngoài đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu;

4. Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam....”.

Điều kiện để cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà: Phải là người đang sinh sống tại Việt Nam, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Hồng Kỹ