Chợ lao động mùa cuối năm ế ẩm

Thông thường nhu cầu tuyển dụng lao động lao động vào khoảng quý 3, quý 4 hàng năm tăng cao, đặc biệt là các công việc thời vụ. Nhưng hiện nay, tình hình tuyển dụng lao động cho mùa cuối năm đìu hiu như... chợ chiều.

Sự suy giảm nhu cầu tuyển dụng thể hiện ở hầu hết các địa phương có thị trường lao động sôi động nhất cả nước.

 

Chợ lao động mùa cuối năm ế ẩm
Người lao động tìm thông tin tại “Sàn giao dịch việc làm thanh niên” tổ chức vào tháng 9/2012 tại quận Gò Vấp, TP.HCM.

 

Ít việc làm mới, mức lương giảm

 

TP.HCM vừa tổ chức sàn giao dịch việc làm lần thứ 16 tại quận Bình Thạnh. Tại sàn giao dịch này, số doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng giảm nhẹ so với phiên giao dịch lần thứ 15 được tổ chức trước đó mười ngày, nhưng tổng số lao động cần tuyển lại giảm mạnh.

 

Tại phiên giao dịch lần thứ 15, số lượng lao động cần tuyển là 2.856 lao động thì tại phiên giao dịch lần thứ 16 số lao động cần tuyển dụng chỉ còn 1.496 người.

 

Như vậy qua hai phiên giao dịch việc làm trong tháng 10 vừa được tổ chức, số lao động được các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng qua cả kênh tuyển trực tiếp và qua mạng đã giảm 50%.

 

Hàng năm, vào quý 3 và quý 4 nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp thường tăng để kịp tiến độ giao hàng do các đơn hàng cuối năm tăng, tuy nhiên năm nay lại khác.

 

Đánh giá của trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM cho thấy, trong quý 3 vừa qua nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp chỉ tăng 0,62% so với quý 2. Số lượng hàng tồn kho lớn đã khiến doanh nghiệp không thể đẩy mạnh sản xuất, kéo theo nhu cầu tuyển dụng giảm. Theo dự báo, trong quý 4 năm nay, TP.HCM chỉ có khoảng 65.000 việc làm mới.

 

Tại Hà Nội, nơi được xem là thị trường lao động nhộn nhịp thứ hai của cả nước chỉ sau TP.HCM, số lượng đăng ký tuyển dụng mới cũng có xu hướng giảm.

 

Nhận định của bà Vũ Thị Thanh Liễu, trưởng phòng thị trường lao động thuộc trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, quý 4 năm nay nhu cầu tuyển dụng có thể tăng hơn so với quý 3 nhưng sẽ không đáng kể.

 

“Năm nay kinh tế khó khăn, sức mua thấp, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ cũng sẽ giảm do doanh nghiệp thắt chặt các khoản chi phí”, bà Liễu nói.

 

Tại nhiều trung tâm tuyển dụng lao động ở TP.HCM, tình trạng chung là đa số nhu cầu tuyển dụng ở mức giảm so với cùng thời điểm mọi năm, và so với đầu năm.

 

Theo bà Kim Phụng, nhân viên trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm Thanh niên TP.HCM, ngành xây dựng hầu như không thấy công ty nào tuyển dụng; hồ sơ kế toán cũng tồn nhiều… Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chỉ ở mức lai rai, chủ yếu là lao động phổ thông. Mặt khác, mức lương các ngành nghề đưa ra cũng thấp hơn so với năm ngoái khoảng từ 10 – 20%...

 

“Nhiều doanh nghiệp cho biết do khó khăn hơn nên tuyển dụng phải bớt lại”, bà Phụng nói.

 

Xin việc nhiều, tuyển dụng ít

 

Tại các phiên giao dịch việc làm của TP Hà Nội được tổ chức định kỳ từ đầu tháng 10 tới nay, lượng người đến tìm việc ước tính ở mỗi phiên giao dịch khoảng 2.000 người, tuy nhiên số lượng tuyển dụng chỉ khoảng 400 – 500 lao động và tỷ lệ phỏng vấn thành công thấp. Hiện trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều thị trường lao động vốn sôi động khác như Bình Dương, Đồng Nai…

Ở một khía cạnh khác, ông Lê Xuân Thành, thường trực uỷ ban quốc gia về Quan hệ lao động, cho biết vào thời điểm cuối năm, các cuộc đình công thường có xu hướng tăng. Tuy nhiên, năm nay lại khác.

 

“Tính chung từ đầu năm đến nay, số lượng các cuộc đình công giảm nhiều, chỉ bằng khoảng 20 – 30% cùng kỳ”, ông Thành nói.

 

Sự suy giảm của thị trường lao động đã khiến người lao động không đình công nữa và coi việc cố gắng giữ chỗ làm hiện tại để ổn định cuộc sống là ưu tiên một.

 

Hy vọng Nhật Bản

 

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc điều hành công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search, cho biết có sự sụt giảm đối với các yêu cầu tuyển dụng nhân sự mới trong các lĩnh vực bán lẻ, bán sỉ, hậu cần. Phần lớn các yêu cầu tuyển dụng này là tuyển thay thế nhân viên cũ nghỉ việc.

 

Tuy nhiên, theo bà Vân Anh, các công ty Nhật Bản, là khách hàng của Navigos Search, đang có xu hướng tăng trưởng và phần lớn trong số đó đến từ ngành sản xuất. Theo nhận định chung, thời gian tới Nhật Bản sẽ đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam do những căng thẳng đang diễn ra trong cuộc khủng hoảng quan hệ Nhật – Trung.

 

Điều đáng chú ý, theo bà Anh, dù ngân hàng đang trong thời kỳ khủng hoảng nhưng theo quan sát, đây vẫn là ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn. Một số ngân hàng có xu hướng tuyển nhân sự cấp cao là người nước ngoài, đặc biệt cho các vị trí liên quan đến tái cấu trúc, chuyển đổi.

 

“Một trong những vị trí “nóng” mà các ngân hàng là khách hàng của chúng tôi đang tìm kiếm là giám đốc quản trị rủi ro và giám đốc thu hồi nợ”, bà Anh cho hay. Bà Anh cũng cho hay, nguồn cung của mảng nhân sự cấp cao ở Việt Nam vẫn còn thiếu.

 

Theo Tây Giang – Lê Quỳnh

SGTT