VTC Online thời Phan Sào Nam: Từ tham vọng sàn NASDAQ tới rao bán với giá 1/5

Từng đặt mục tiêu phải đủ điều kiện niêm yết tại 1 trong 5 sàn giao dịch chứng khoán, trong đó có sàn NASDAQ (Hoa kỳ) vào năm 2015, song kết quả kinh doanh của VTC Online trong thời gian ông Phan Sào Nam làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị lại liên tục sa sút, đỉnh điểm là khoản lỗ hơn 100 tỷ năm 2014.


Sau ông Nguyễn Thanh Hóa, tới lượt ông Phan Sào Nam bị khởi tố về liên quan tới hành vi tổ chức đánh bạc; đánh bạc; rửa tiền; lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Ảnh: I.T)

Sau ông Nguyễn Thanh Hóa, tới lượt ông Phan Sào Nam bị khởi tố về liên quan tới hành vi tổ chức đánh bạc; đánh bạc; rửa tiền; lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Ảnh: I.T)

Sau khi ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng và khám xét nhà riêng đối với ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) thuộc Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, về hành vi tổ chức đánh bạc, cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố khoảng 80 bị can, tiến hành bắt giữ 38 người về các hành vi tổ chức đánh bạc; đánh bạc; rửa tiền; lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong số những người bị khởi tố có ông Phan Sào Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Truyền thông trực tuyến VTC (VTC Online), người từng được biết tới với vai trò sáng lập viên VTC Intecom, sáng lập viên VTC Online, đồng thời là “cha đẻ” của cuộc thi Miss Teen đình đám, chuyên gia ý tưởng của Mạng Việt Nam go.vn…

Khoản đầu tư 10 triệu USD và tham vọng lên sàn NASDAQ

VTC Online được thành lập vào năm 2008, thuộc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam (VTC) và từng là 1 trong 3 nhà phát hành game online lớn nhất Việt Nam.

Một dấu ấn của VTC Online trong khỏang thời gian ông Phan Sào Nam giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty này chính là việc kêu gọi thành công khoản đầu tư trị giá 10 triệu USD từ Quỹ đầu tư DWS Việt Nam, thông qua Công ty Quản lý quỹ Duxton có trụ sở tại Singapore vào ngày 4.7.2012 sau hơn nửa năm đàm phán.


VTC Online thời ông Phan Sào Nam (áo xanh) từng đặt tham vọng niêm yết trong 1 trong 5 sàn chứng khoán, trong đó có NASDAQ (Ảnh minh họa)

VTC Online thời ông Phan Sào Nam (áo xanh) từng đặt tham vọng niêm yết trong 1 trong 5 sàn chứng khoán, trong đó có NASDAQ (Ảnh minh họa)

Theo đó, VTC Online sẽ dùng số tiền đầu tư từ DWS Vietnam để tiếp tục phát triển 5 nhóm sản phẩm, dịch vụ chiến lược của mình gồm: phát triển mạng Việt Nam (go.vn); sản xuất game trên mọi nền tảng; phát hành game trong nước và quốc tế; phát triển sản phẩm dịch vụ truyền thông; truyền hình và phát triển giáo dục online và offline.

Đây là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của VTC Online. Tiềm lực tài chính của VTC Online đã tăng lên đáng kể bởi trước khi nhận được khoản tiền 10 triệu USD từ Quỹ đầu tư DWS Việt Nam, VTC Online đã lượt nhận được vốn đầu tư của IDG Ventures Vietnam vào năm 2010.

Lúc đó, Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến (VTC Online) đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015, VTC Online phải đủ điều kiện để thực hiện chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết tại 1 trong 5 sàn giao dịch chứng khoán gồm NASDAQ (Hoa kỳ), HKEC (Hồng Kông), SGX (Singapore), Kosdaq (Hàn Quốc) và sàn HOSE (Việt Nam).

Ông Phan Sào Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VTC Online lúc đó cho biết, quyết định lựa chọn VTC Online làm công ty đầu tiên trong lĩnh vực nội dung số để rót vốn của Quỹ đầu tư DWS được dựa trên việc đánh giá năng lực của đội ngũ lãnh đạo, chiến lược phát triển của công ty, hệ thống kiểm soát và tiềm năng phát triển trong tương lai.

Trong đó, VTC Online phải cam kết đáp ứng một số chỉ tiêu tăng trưởng như đến năm 2014, công ty phải đạt được tổng lợi nhuận là 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của VTC Online bắt đầu sa sút từ năm 2014 với khoản lỗ ròng 102 tỉ đồng.

Giá trị doanh nghiệp chỉ còn 1/5 sau 5 năm

Tháng 12.2017, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC mới đây đã thông báo tiến hành đấu giá toàn bộ 1,02 triệu cổ phiếu - tương đương 44,75% số cổ phần đang lưu hành của CTCP VTC Truyền thông trực tuyến (VTC Online) vào ngày 2.1.2018.

Giá khởi điểm chào bán là 107.388 đồng/cổ phần, tương ứng định giá VTC Online ở mức 245 tỷ đồng, tương đương 10,8 triệu USD, nhỉnh hơn một chút so với giá trị sổ sách của công ty ở thời điểm cuối năm 2016 là 230 tỷ đồng.

Điều đáng nói là vào năm 2012, Quỹ đầu tư DWS Vietnam - nay là Vietnam Phoenix Fund, đã rót 10 triệu USD để sở hữu 20% cổ phần của VTC Online. Như vậy, mức giá mà VTC rao bán chỉ bằng 1/5 so với mức định giá của DWS Vietnam Fund cách đây 5 năm.


Cơ cấu cổ đông của VTC Online, trong đó ông Phan Sào Nam sở hữu 4,5% cổ phần

Cơ cấu cổ đông của VTC Online, trong đó ông Phan Sào Nam sở hữu 4,5% cổ phần

Về kết quả kinh doanh, sau khoản lỗ ròng 102 tỷ đồng năm 2014, VTC Online có trong hai năm 2015 và 2016, đạt lần lượt là 8 tỷ và 10 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động kinh doanh chính năm 2016 vẫn chịu lỗ, công ty có lãi chủ yếu là nhờ các khoản thu từ phạt vi phạm hợp đồng, xóa sổ khoản phải trả không phải thanh toán.

Doanh thu năm 2016 của công ty tăng hơn gần 1.000 tỷ so với năm 2015 lên 1.829 tỷ đồng nhưng biên lãi gộp khá mỏng, chỉ đạt vỏn vẹn 33 tỷ đồng. Doanh thu tăng chủ yếu là do doanh thu game online tăng vọt từ 428 tỷ lên 1.528 tỷ đồng. Tuy vậy, giá vốn của hoạt động kinh doanh game trong năm 2016 lên đến 1.537 tỷ, tức hoạt động này bị lỗ lỗ gộp gần 10 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh có hiệu quả nhất của VTC Online là quảng cáo với 41,6 tỷ doanh thu và 24 tỷ đồng lãi gộp. Lợi nhuận từ kinh doanh tòa nhà văn phòng còn lại không đáng kể sau khi chia lãi hợp tác kinh doanh cho công ty VTC Intecom.

Theo Nguyên Phương
Dân Việt

VTC Online thời Phan Sào Nam: Từ tham vọng sàn NASDAQ tới rao bán với giá 1/5 - 4