1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chính sách nông nghiệp: Không chỉ ra đâu là tiền và lấy tiền đâu để làm...

An Linh

(Dân trí) - "Hầu hết các chính sách "mang tính nhân văn" mà không chỉ rõ nguồn lực, không chỉ ra đâu là tiền và lấy tiền đâu để làm...", Chủ tịch Hiệp hội gia cầm Việt Nam phân trần.

Tại Diễn đàn Nông nghiệp Mùa thu 2020, về chính sách nông nghiệp Việt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 19/11 ở Hà Nội, hàng loạt các chuyên gia về nông nghiệp đã chỉ ra những nút thắt khiến nền nông nghiệp Việt xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng thiếu phẩm cấp và phát triển chậm chạp.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, hiện Việt Nam có rất nhiều chính sách cho ngành nông nghiệp, song hiệu quả thực thi rất hạn chế.

Chính sách nông nghiệp: Không chỉ ra đâu là tiền và lấy tiền đâu để làm... - 1

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam

"Hầu hết các chính sách "mang tính nhân văn" mà không chỉ rõ nguồn lực, không chỉ ra đâu là tiền và lấy tiền đâu để làm. Điều này khác các nước khi làm chính sách đi liền với câu trả lời là lấy tiền ở đâu, nguồn lực ra làm sao, nhưng ở ta thì không!" - ông Sơn cho biết.

Về vai trò hiệp hội, ông Sơn cho biết: Theo số liệu của Bộ Nội vụ có 400 hiệp hội ngành hàng, nhưng vai trò của họ rất hạn chế về quản lý xã hội, quản lý về các ngành hàng. Việt Nam có nhiều hiệp hội nhưng chưa được thể chế hóa, vai trò chứng nhận chất lượng bởi hiệp hội vẫn chưa rõ ràng.

Ông Sơn cho rằng, có doanh nghiệp bị khiếu kiện do xung đột lợi ích lẫn nhau, hiệp hội phải đứng ra làm trọng tài, rất mất thời gian. Thay vì phải đứng ra làm trung gian hòa giải, làm trọng tài, sao các Hiệp hội không tự nâng mình lên để cấp các chứng chỉ chất lượng cho doanh nghiệp, cho hàng hóa, bởi vì chỉ có doanh nghiệp trong hiệp hội, có hiệp hội mới hiểu được ngành, doanh nghiệp mình.

"Trao quyền cũng trao luôn trách nhiệm, doanh nghiệp được cấp chứng nhận, nhưng chứng nhận đó sai, doanh nghiệp làm láo thì hiệp hội đó phải chịu trách nhiệm đến cùng, phải chịu tội cùng với doanh nghiệp" - ông Sơn nói.

Tại Diễn đàn, PGS, TS. Vũ Trọng Khải - chuyên gia về nông nghiệp nêu thực tế tại Việt Nam - chỉ 10% sản phẩm nông nghiệp đáp ứng đủ tiêu chuẩn của VietGAP, nông nghiệp hữu cơ còn lại đứng ngoài.

Các pháp nhân, cá nhân đáp ứng các tiêu chuẩn này chủ yếu là các doanh nghiệp, phần còn lại cơ bản vẫn lạm dụng phân bón hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc phòng bệnh.

Theo PGS, TS. Vũ Trọng Khải, càng lạm dụng nhiều lại càng khiến chất lượng sản phẩm nông nghiệp kém phẩm cấp hơn, không được đánh giá cao so với các quốc gia khác. Chúng ta quá chú trọng vào lượng sẽ đánh mất chất của sản phẩm. Một nền nông nghiệp nặng nề về sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất sẽ khiến chúng ta phải đối diện với dịch bệnh nhiều hơn.

Theo các chuyên gia, phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ và theo tiêu chuẩn VietGAP đang là cơ hội nằm trong bàn tay của người Việt, doanh nghiệp Việt. Cần thúc đẩy quá trình này đi nhanh hơn, loại bỏ sản vật chất lượng kém, thiếu an toàn. Hình thành một thị trường đề kháng với nông sản bẩn, cách thức sản xuất bẩn, để an toàn cho giống nòi, thế hệ sau.

Chính sách nông nghiệp: Không chỉ ra đâu là tiền và lấy tiền đâu để làm... - 2

Các chuyên gia tham dự Diễn đàn đều nêu ra hàng loạt điểm nghẽn trong phát triển nông nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Ông Trương Quốc Cần - thành viên Liên minh Nông nghiệp cho rằng: Việt Nam nói rất nhiều đến chứng nhận chất lượng, tuy nhiên dường như người tiêu dùng đang không có quá nhiều niềm tin vào các chứng chỉ Nhà nước cấp cho doanh nghiệp, cho sản phẩm, họ tìm về các sản phẩm vùng quê, nuôi bằng phương pháp truyền thống, những cây, con giống bản địa...

"Tại sao lại thế, chúng ta thiếu vắng vai trò giám sát các loại chứng nhận, chứng chỉ và tiêu chuẩn trên sản vật của hiệp hội ngành hàng, của người dân và của chính các doanh nghiệp trong lĩnh vực" - ông Cần cho hay.

Ông này nêu một thực tế về việc cơ quan Nhà nước "vừa đá bóng, vừa thổi còi" là: "Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn là người đưa ra các tiêu chuẩn về chất lượng, lại Bộ này là nơi giám sát, vậy Bộ có tự đưa ra các quy tắc để tự làm khó mình hay không? Nếu chúng ta không có cơ chế giám sát của xã hội thì bao nhiêu chứng chỉ cũng thế thôi, người tiêu dùng vẫn lo ngại".