"Chính sách" đang ảnh hưởng đến thị trường BĐS

(Dân trí) - "Những biện pháp của nhà nước nhằm giảm lạm phát đã ảnh hưởng phần nào đến độ “nóng” của thị trường bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, điều này chưa đủ “lực” để làm chao đảo thị trường" - TS Đỗ Thị Loan - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết.

Bà đánh giá như thế nào về thị trường BĐS của TPHCM trước khi có thông tin về việc nhà nước sẽ siết chặt tín dụng và ban hành sắc thuế lũy tiến?

Theo nhận định của tôi, thị trường bất động vừa qua, đặc biệt là sau khi gia nhập WTO có sự hồi phục mạnh mẽ. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Rủi ro vì các vấn đề đầu cơ nhà đất, kích cầu ảo, rủi ro vì giá bất động sản quá cao không phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân và sự phát triển của nền kinh tế.

Thị trường BĐS TPHCM đang có dấu hiệu chao đảo, thậm chí có nơi còn rao bán BĐS vì sợ thị trường sắp rớt giá?

"Chính sách" đang ảnh hưởng đến thị trường BĐS - 1
  

TS Đỗ Thị Loan.

Tôi xin khẳng định thị trường BĐS hiện nay vẫn chưa thấy dấu hiệu chao đảo. Sau khi có những biện pháp của nhà nước nhằm giảm mức độ lạm phát, đã có ảnh hưởng phần nào đến độ “nóng” của thị trường BĐS. Tuy nhiên, điều này chưa đủ “lực” để làm chao đảo thị trường.

Hiện tượng tin rao bán BĐS với giá thấp hơn như quận 2, quận 9, quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh… hoặc ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… là do một số nhà đầu tư nhỏ lẻ có số vốn ít, phần còn lại đã vay ngân hàng để đầu tư vào BĐS. Nay ngân hàng hạn chế cho vay cùng với việc tăng lãi suất nên họ đã quyết định bán một phần BĐS với giá giảm hơn trước để thu hồi vốn và thanh toán cho ngân hàng.

Trước động thái trên của nhà nước, các chủ dự án đã "phản ứng" như thế nào, thưa bà?

Trước sự thay đổi đột ngột của nhà nước, nhiều chủ dự án buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch tài chính cho phát triển dự án BĐS, tìm kiếm nguồn tài chính mới như liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước, thậm chí phải chuyển nhượng dự án.

Về ý kiến chung của các doanh nghiệp là ủng hộ Nhà nước trong việc đưa ra các giải pháp nhằm giảm lạm phát nhưng phải xác định đúng nguyên nhân gây ra lạm phát thì mới có thể đưa ra chính sách phù hợp.

Có ý kiến cho rằng do thị trường không tự điều tiết được nên nhà nước buộc phải "ra tay"? Vì trên thực tế, giá BĐS đã tăng quá cao?

Hiện nay lạm phát nước ta đã lên đến hai con số, trước tình hình này nhà nước đã áp dụng biện pháp thắt chặt tiền tệ nghĩa là hạn chế lượng tiền trong lưu thông và hạn chế mức tăng tín dụng để nhằm giảm lạm phát xuống còn một con số.

Nhưng hiện nay với việc thắt chặt quá mức đã làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, hạn chế tăng trưởng của nền kinh tế và đặc biệt nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các thị trường, đặc biệt là thị trường BĐS.

Theo tôi, Nhà nước nên áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng mềm dẻo hơn và có lộ trình để ngân hàng, doanh nghiệp, người dân chuẩn bị.

Bà có đề xuất nào về những biện pháp có thể giúp thị trường BĐS được phát triển lành mạnh có lợi cho toàn xã hội và người dân?

Theo tôi, có ba giải pháp cần phải được thực hiện đối với thị trường BĐS hiện nay. Thứ nhất, đưa thị trường BĐS trở về thế cân bằng giữa cung và cầu. Cung cầu ở đây là cung thực và cầu thực.

Thứ hai, hiện nay giá nhà đất leo thang như vậy do các chi phí đầu vào tăng, vì vậy Nhà nước nên có các giải pháp quyết liệt để khống chế với các mức giá hợp lý, tạo thuận lợi cho cả chủ đầu tư và khách hàng.

Thứ ba, phải hình thành một cơ quan chuyên trách về nhà ở để giúp cho Nhà nước giám sát việc triển khai thực hiện dự án của doanh nghiệp và việc sử dụng vốn huy động từ khách hàng.

Xin cám ơn bà!

Lan Hương