Chính quyền "hành" doanh nghiệp nội dễ hơn doanh nghiệp ngoại

(Dân trí) - "Đối với đầu tư nước ngoài, áp lực và chi phí liên quan đến chính quyền đỡ hơn so với doanh nghiệp (DN) trong nước, bởi chính quyền sợ các DN ngoại vì họ được bảo vệ bởi các đại sứ quán, tổ chức hội và tiếng nói của báo chí".

Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại Tọa đàm Kinh tế Vĩ mô quý II/2017 được tổ chức chiều nay (10/7) tại Hà Nội.

Bà Lan cho rằng, điều này được minh chứng là trong 6 tháng qua, số DN trong nước tạm ngừng hoạt động và phá sản vẫn rất cao, mặc dù chúng ta có nhiều Nghị quyết tốt về cải cách môi trường kinh doanh và tạo cơ hội cho DN trong nước như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35.

Chính quyền "hành" doanh nghiệp nội dễ hơn doanh nghiệp ngoại - 1

Bên cạnh đó, nhìn lại tăng trưởng quý II/2017, tăng trưởng của Việt Nam vẫn nhờ chủ yếu vào động lực từ nước ngoài như tăng đầu tư, tăng xuất khẩu và khai khoáng, còn khu vực trong nước đang giảm.

Tăng trưởng khu vực trong nước muốn có động lực thì phải có cải cách môi trường kinh doanh, nhưng vấn đề này chưa thay đổi. Trong khi đó, khu vực công của Nhà nước lại đang trong quá trình cải cách nhọc nhằn.

"Văn bản, các nghị quyết, nghị định, chỉ thị, yêu cầu về cải cách khu vực DN Nhà nước nhiều kinh khủng nhưng đến nay hiệu lực vẫn kém. Chừng nào vẫn còn 5 - 7 cơ quan khác nhau quản lý, chịu trách nhiệm hay 4 tầng lớp quản lý thì rất khó có thể cải tạo được, chúng ta gỡ mãi không hết khó cho DN", chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

Còn đối với khu vực tư nhân, vấn đề đã rõ, những tồn tại hiện nay của họ còn nhiều hơn những năm về trước.

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, bài toán chính của Việt Nam trong dài hạn hiện nay vẫn nằm ở cải cách môi trường, DNNN... Tất cả cái đó đều là mấu chốt của VN và đều nằm trong bàn tay Nhà nước. Phải cải cách mới làm cho DNNN tốt hơn, còn nếu không thực hiện được, chỉ đưa chính sách không thì vô tình lại tạo điểm nghẽn chính sách.

Tại Tọa đàm, TS Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng: Câu chuyện ngân sách 6 tháng qua, tôi thấy một vấn đề rất lo lắng là phần tăng thu ngân sách của địa phương chiếm 60%, mức tăng thu của trung ương rất thấp. Những phần tăng thu ngân sách này liên quan chi phí, chuyển giao, chi phí cơ hội chính vì vậy, đây cũng là áp lực cho DN và trưởng.

“Cái vấn đề lâu dài là phần thu ngân sách hiện nay tăng lên ở phần thu nội địa không phải là thuế mà là phi thuế”, ông Thành nói.

Chuyên gia Thành nhấn mạnh: Tăng trưởng của Việt Nam từ 6 tháng cuối năm đến thời gian tới đây đã đến cận mức tiềm năng (toàn dụng). Nếu dưới tiềm năng chúng ta có thể đưa ra các biện pháp kích cầu, nhưng ở đây, chúng ta đã toàn dụng, chính vì vậy chúng ta không thể đưa ra các biện pháp kích cầu về vốn hoặc khai thác dầu thô. Kích cầu chỉ một phần, một số nghiên cứu gần đây làm cho các ông sản xuất dịch vụ phải tốt hơn, cải cách DNNN phải mạnh mẽ hơn và cải cách môi trường kinh doanh phải đột phá hơn.

Nguyễn Tuyền