Chính phủ tăng cổ phần bán đấu giá ra ngoài của Petrolimex

(Dân trí) - Theo Quyết định số 164 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8/2 về điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), số cổ phần bán đấu giá ra bên ngoài sẽ chiếm 2,57% vốn điều lệ.

Chính phủ tăng cổ phần bán đấu giá ra ngoài của Petrolimex - 1
Cổ đông nước ngoài không tham gia mua cổ phần Petrolimex do đặc thù kinh doanh xăng dầu ảnh hưởng tới an ninh năng lượng (ảnh minh họa).

Trong cơ cấu vốn điều lệ được quy định trong văn bản này, số cổ phần báo ưu đãi cho người lao động là 21.118.700 cổ phần, chiếm 1,97% vốn điều lệ (điều chỉnh giảm), cổ phần bán đấu giá ra bên ngoài là 27.479.433 cổ phần, chiếm 2,57% vốn điều lệ (điều chỉnh tăng).

Vốn điều lệ của Petrolimex là 10.700 tỷ đồng và tổng số cổ phần phát hành lần đầu là 1.070.

Trước đó, trong phương án phê duyệt tại Quyết định 828 ban hành ngày 31/5/2011, Thủ tướng quy định, cổ phần bán ưu đãi cho người lao động là 21.172.200 cổ phần (chiếm 1,98% vốn điều lệ), đã bao gồm 19 người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại các doanh nghiệp khác.

Cổ phần bán cho tổ chức công đoàn là 5 triệu cổ phần (chiếm 0,47% vốn điều lệ). Cổ phần bán đấu giá công khai: 27.425.933 cổ phần (chiếm 2,56% vốn điều lệ).

Nhà nước nắm đa số với 1.016.401.867 cổ phần (chiếm 94,99% vốn điều lệ) theo đúng quy định đối với các doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện IPO: Nhà nước nắm giữ tối thiểu 75% vốn điều lệ.

Trong buổi Roadshow tổ chức hồi năm ngoái, Petrolimex cho biết, giá khởi điểm là 15.000 đồng/cổ phần, mức giá được các nhà đầu tư đánh giá là hợp lý.

Theo Quyết định số 6958 ngày 30/12/2010 của Bộ Công Thương, giá trị thực tế của Petrolimex tại thời điểm ngày 1/1/2010 là trên 26.853 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn của Nhà nước là trên 10.164 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, giá trị thương hiệu dựa trên lợi thế kinh doanh của Petrolimex là 542 tỷ đồng.

Phó Tổng giám đốc Vương Thái Dũng cho biết, việc có sự tham gia của cổ đông nước ngoài sau này hay không phụ thuộc vào chính sách điều hành của Chính phủ và không thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp.

Theo đó, đầu tư vào lĩnh vực xăng dầu ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.

Về phần Petrolimex, ông Dũng khẳng định, bản thân doanh nghiệp rất mong muốn có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó có thể tận dụng vốn, công nghệ để hoạt động có hiệu quả hơn.

Bích Diệp