Chính phủ sẽ xem xét đề xuất chuyển dự án tỉ đô cho tư nhân

(Dân trí) - Công nghệ theo chuẩn quốc tế hiện đại đã được chứng minh hiệu quả bằng thực tế tại Việt Nam và khả năng thu xếp vốn, giải ngân vốn đầu tư đảm bảo, theo đúng tiến độ là 2 lý do thuyết phục Tập đoàn Geleximco tiếp tục bắt tay với Công ty TNHH Hong Kong United (HUI) triển khai các dự án nhiệt điện quy mô lớn.

Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhà máy điện

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo phương án hợp tác đầu tư một số dự án nhà máy nhiệt điện. Theo đó, Bộ này kiến nghị Thủ tướng giao liên danh Tập đoàn Geleximco - Công ty TNHH Hong Kong United (HUI) thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) thay cho Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV).

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, TKV không đáp ứng nhu cầu vốn triển khai dự án đúng tiến độ. Tập đoàn này đang gặp khó khăn trong huy động vốn cho các dự án đầu tư, trong đó có vốn đối ứng triển khai dự án Quỳnh Lập 1. Đến cuối tháng 9/2017, tổng nợ vay hợp nhất của TKV khoảng 78.000 tỷ đồng, với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu 2,5 lần.

Nếu đầu tư vốn vào dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1, TKV sẽ phải huy động thêm khoản nợ vay 39.000 tỷ đồng và sau 3 năm nữa tổng nợ vay của tập đoàn có thể lên tới trên 100.000 tỷ đồng, dẫn đến tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu sẽ vượt quá quy định cho phép.

Sau nhiều năm khởi công, dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 vẫn đang trong tình trạng “đắp chiếu” do khó khăn về vốn.
Sau nhiều năm khởi công, dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 vẫn đang trong tình trạng “đắp chiếu” do khó khăn về vốn.

Ngoài ra, sau hơn 2 tháng đốc thúc hiện TKV vẫn chưa báo cáo Bộ Công Thương kết quả làm việc cuối cùng với 2 nhà đầu tư là Kospo và Samtan (Hàn Quốc) về thu xếp vốn vay cho dự án không có bảo lãnh Chính phủ. Nếu để tình hình thoả thuận tiếp tục kéo dài hoặc TKV phải tìm kiếm đối tác thì sẽ chậm triển khai thực hiện dự án, ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư, không lường hết các yếu tố phát sinh như trượt giá, trượt tỷ giá…

“Giao dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 cho liên danh Geleximco - HUI, sẽ giúp TKV giảm áp lực thu xếp vốn, và tập trung thực hiện các dự án khác. Thay thế TKV tại dự án này, liên danh Geleximco và đối tác HUI có trách nhiệm khẩn trương thực hiện dự án theo quy định đảm bảo tiến độ, chất lượng; thoả thuận bàn giao dự án, xem xét thanh toán các chi phí trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư mà TKV đã thực hiện”, công văn của Bộ Công Thương kiến nghị.

Có 2 vấn đề Bộ Công Thương muốn làm rõ hơn trong công văn gửi Thủ tướng gồm việc vay tới 80% vốn Trung Quốc cho dự án và công nghệ mà đối tác Trung Quốc triển khai tại Việt Nam.

Giải tỏa bế tắc và đảm bảo an ninh năng lượng

Trao đổi với báo giới, đại diện Tập đoàn Geleximco cho biết, khả năng vay vốn nước ngoài, nhất là châu Âu để đầu tư các nhà máy nhiệt điện hiện nay là bất khả thi. Hơn 3 năm trước, khi dự án nhà máy nhiệt điện Thăng Long do Geleximco làm chủ đầu tư đi vào triển khai, đã có lúc bế tắc về nguồn vốn. Geleximco đã mời các nhà thầu từ những nước phát triển như Pháp, Anh Mỹ… nhưng không nhà thầu nào thu xếp được tài chính, mà đây là yêu cầu tiên quyết trong Hồ sơ yêu cầu lựa chọn tổng thầu.

Geleximco sau đó đã đàm phán được với Tập đoàn Năng lượng mới Kaidi Dương Quang (Trung Quốc), công ty mẹ của HUI (Hong Kong). Nhà thầu đã chứng minh được năng lực và có kinh nghiệm tại dự án nhà máy nhiệt điện Mạo Khê được TKV đầu tư trước đây.

Nhờ dòng vốn được bơm kịp thời, cuối tháng 5 vừa qua, Tổ máy 1 Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long đã chính thức phát điện thương mại lên hệ thống lưới điện quốc gia, Tổ máy số 2 dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7/2018, hoàn thành vượt tiến độ khoảng 2 tháng, đảm bảo tối ưu hóa các yêu cầu về công nghệ và xử lý môi trường nghiêm ngặt của Chính phủ đề ra, tiết kiệm cho chủ đầu tư hơn 500 tỷ đồng.

Về công nghệ, với nhà máy điện đốt than, quan trọng nhất là hệ thống lò hơi. Công nghệ sử dụng trong nhà máy điện Quỳnh Lập I được liên danh Geleximco - HUI đề xuất là công nghệ siêu tới hạn, sôi tuần hoàn, được xem là một trong những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, các hệ thống vận hành chính của nhà máy sẽ được mời thầu quốc tế, sử dụng sản phẩm của các nước G7 hoặc sản phẩm ủy quyền thiết kế chế tạo của các nước đó.

Công nghệ này đã được áp dụng thành công tại Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long với lò hơi theo thiết kế và công nghệ chế tạo của hãng Alstom (Pháp); hệ thống đo lường và điều khiển của nhà máy được chế tạo và cung cấp từ Yokogawa (Nhật Bản) và một số nước G7.

Với công nghệ này, nhiệt độ đốt thấp từ 850 – 920 độ C giúp hạn chế độc hại phát thải ra môi trường vừa đạt hiệu quả kinh tế cao do than đốt chưa cháy hết được tuần hoàn đi tuần hoàn lại cho đến khi bị đốt kiệt. Nhà máy cũng sử dụng hệ thống lọc bụi tĩnh điện, thu giữ bụi để đảm bảo hiệu quả thu bụi, bụi giữ lại từ 90- 99%. Các phế thải sau đó được sử dụng cho công nghiệp sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng (gạch không nung) theo tiêu chuẩn của Bộ Xây Dựng áp dụng cho các nhà máy điện than. Ngoài ra, hệ thống của nhà máy còn xử lý được các loại nước thải khác nhau, sử dụng công nghệ xử lý nước nhiễm than, nhiễm dầu…nước thải không xả ra môi trường mà được tái sử dụng hết.

Dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 cần thiết có giải pháp về vốn để về đích
Dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 cần thiết có giải pháp về vốn để về đích

Trở lại với Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I, dự án được giao đầu tư từ năm 2009, được khởi công từ tháng 10/2015 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai giải phóng mặt bằng. Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì hôm 11/6 vừa qua, sau khi nghe các bộ báo cáo, Phó Thủ tướng yêu cầu, thực hiện rà soát các dự án đang triển khai mà nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện dẫn đến chậm tiến độ, để có biện pháp xử lý thích hợp; khuyến khích các doanh nghiệp ngoài nhà nước đầu tư các dự án nguồn điện phù hợp nếu đáp ứng yêu cầu không cần bảo lãnh Chính phủ, sử dụng công nghệ tiên tiến gắn với bảo vệ môi trường và có giá thành sản xuất điện hợp lý.

Phó thủ tướng yêu cầu TKV có ý kiến chính thức về phương án hợp tác đầu tư Dự án Quỳnh Lập I theo yêu cầu của Bộ Công Thương; trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tiếp tục tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan để hoàn thiện báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án cụ thể triển khai Dự án, báo cáo trong tháng 6/2018.

Một dự án điện được đưa vào hoạt động không chỉ đóng góp thêm hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách địa phương mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Thực trạng nền kinh tế hiện nay cho thấy cần tin và trao cơ hội cho các tập đoàn tư nhân Việt Nam để họ chủ động “lập trình” việc đầu tư dự án theo đúng tiến độ và yêu cầu về công nghệ, môi trường mà Chính phủ đặt ra và giám sát. Có như vậy, mới nhanh chóng gỡ được những “điểm nghẽn” về đầu tư năng lượng đang rất cấp thiết hiện nay.

C.Minh