Chính phủ Mỹ đóng cửa, nền kinh tế thiệt hại 6300 tỷ đồng/ngày
(Dân trí) - Từ 11 giờ trưa nay theo giờ Việt Nam, chính phủ Mỹ đã chính thức bắt đầu đóng cửa do hết ngân sách. Ước tính mỗi ngày việc này sẽ khiến kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 6300 tỷ đồng. Giới tài chính phố Wall dự kiến sẽ gặp Tổng thống Obama vào ngày mai.
Những hy vọng của Tổng thống Mỹ Obama vào một thay đổi bước ngoặt ở phút chót đã không xảy ra, khi quá nửa đêm ngày 30/9 theo giờ Mỹ, tức 11 giờ trưa nay theo giờ Việt Nam vẫn không có nghị quyết nào về ngân sách được thông qua.
Đây là lần đầu tiên một chính phủ Mỹ phải đóng cửa sau 17 năm qua. Khoảng 800.000 nhân viên công chức liên bang sẽ thất nghiệp từ ngày 1/10. Các công viên quốc gia và một số dịch vụ công sẽ bị ngừng cung cấp sau khi quốc hội không thông qua được đạo luật ngân sách cho năm tài khóa mới, bắt đầu từ 1/10.
Theo hãng tin Bloomberg, hiện chưa có cuộc thảo luận nào thêm giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa trong quốc hội được lên kế hoạch. Tình hình khiến nhiều nhà lập pháp lo rằng vào ngày 17/10 tới, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ sẽ trễ hạn trả nợ.
Theo ước tính của công ty tài chính IHS Inc, có trụ sở tại Lexington, bang Massachusetts, việc chính phủ đóng cửa một phần sẽ khiến kinh tế Mỹ thiệt hại 300 triệu USD/ngày, tương đương khoảng 6300 tỷ đồng. Dù con số này là rất nhỏ so với quy mô 15.700 tỷ USD của nền kinh tế lớn nhất thế giới, tác động của nó có thể tăng cao nếu việc tiếp tục đóng cửa làm suy giảm niềm tin và chi tiêu của người dân cũng như các doanh nghiệp.
IHS ước tính tăng trưởng GDP trong quý 4 của Mỹ, ước đạt khoảng 2,2% sẽ bị giảm xuống chỉ còn 2% nếu chính phủ đóng cửa 1 tuần. Nếu tình trạng này kéo dài 21 ngày như từng xảy ra năm 1995 - 1996, dự báo tăng trưởng có thể sụt mất 0,9 điểm %, xuống còn 1,4%, Guy LeBas, trưởng chiến lược gia tài sản thu nhập cố định tại công ty Janney Montgomery Scott LLC nhận định.
“Chi tiêu của chính phủ tác động tới mọi mặt của nền kinh tế, và bản thân việc ngừng chi tiêu còn nguy hiểm hơn số tiền thực sự bị rút khỏi thị trường, bởi nó đe dọa tới niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Do đó nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng”, LeBas phân tích.
Phố Wall lo lắng
Trong phiên đêm qua, chỉ số S&P 500 của Mỹ đã sụt 0,6%. Toàn bộ 10 ngành chính của chỉ số này đều giảm điểm, trong đó hàng tiêu dùng, xăng dầu và tài chính là những lĩnh vực đi xuống nhiều nhất.
Dù hầu hết các cơ quan chính phủ ngừng hoạt động, nhưng riêng các cơ quan giám sát thị trường và các định chế tài chính vẫn sẽ tiếp tục làm việc gần như bình thường, do ngân sách của họ đến từ các nguồn độc lập.
Riêng chỉ có Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) của Mỹ, cơ quan giám sát các giao dịch sản phẩm phái sinh, vốn hoạt động dựa vào nguồn kinh phí được quốc hội phê chuẩn, sẽ phải ngừng hoạt động. CFTC theo dõi các thị trường phái sinh, gắn với các sản phẩm dầu, khí đốt, lãi suất và các sản phẩm khác.
Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) cũng là một cơ quan khác dựa vào nguồn kinh phí trên. Tuy vậy họ cho biết có thể tiếp tục hoạt động thêm “vài tuần” nếu quốc hội không thông qua luật ngân sách, người phát ngôn của SEC John Nester cho biết.
Dự kiến trong ngày mai, lãnh đạo nhiều ngân hàng và công ty bảo hiểm lớn nhất của Mỹ sẽ đại diện cho thị trường tài chính phố Wall gặp gỡ với Tổng thống Barack Obama. Chuyến đi tới Nhà Trắng được Diễn đàn dịch vụ tài chính, một tổ chức đại diện cho CEO của 19 ngân hàng và công ty bảo hiểm lớn nhất nước Mỹ thu xếp.
Ngoài ra, các CEO cũng sẽ tiếp xúc Bộ trưởng tài chính Jacob J. Lew và nhiều nhà lập pháp, để hối thúc việc thông qua luật ngân sách mới và nâng trần nợ công, nguồn tin của Bloomberg cho biết.
Hầu hết các CEO thành viên của diễn đàn này, trong đó có CEO Lloyd Blankfein của ngân hàng Goldman Sachs, Jamie Dimon của JPMorgan, Michael Corbat của Citigroup, Anshu Jain của Deutsche Bank và Brian Moynihan của Bank of America dự kiến sẽ có mặt.