1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Chính phủ Mỹ trước nguy cơ đóng cửa vì thiếu tiền

(Dân trí) - Giữa lúc các nghị sỹ thuộc hai phe trong quốc hội vẫn bất đồng về trần nợ công, khả năng chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động vì không còn ngân sách càng hiển hiện. Nếu không có đột phá, ít giờ tới hàng loạt cơ quan chính phủ sẽ phải đóng cửa.

Tổng thống Mỹ Obama cảnh báo về hậu quả của việc chính phủ đóng cửa
Tổng thống Mỹ Obama cảnh báo về hậu quả của việc chính phủ đóng cửa

Trong khi tâm lý khủng hoảng bao trùm Washington bởi chỉ còn khoảng 2 giờ nữa là tới hạn chót 4 giờ GMT, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy các nghị sỹ nước này sẽ đạt được sự thỏa hiệp để tránh cho chính phủ phải lần đầu đóng cửa sau 17 năm.

Thay vào đó, các nghị sỹ tại Thượng viện do đảng Dân chủ chiếm ưu thế và nghị sỹ tại Hạ viện thuộc phe Cộng hòa vẫn đang tiếp tục có những tranh cãi gay gắt vô ích, khiến dự luật ngân sách cho năm tài khóa mới, bắt đầu vào ngày 1/10/2013 hầu như chắc chắn không được thông qua.

Trong tối qua, Tổng thống Mỹ Obama đã cáo buộc đảng Cộng hòa đang biến nước Mỹ thành con tin với những yêu sách chính trị “cực đoan”. Đáp lại các đối thủ của ông Obama tuyên bố đảng Dân chủ đã ngạo mạn.

Khoảng 800.000 nhân viên chính phủ Mỹ có nguy cơ sẽ phải ngồi nhà, trong khi các dịch vụ công bị cắt giảm mạnh. Những địa điểm công cộng như tượng Nữ thần tự do và các công viên quốc gia sẽ bị đóng cửa.

GDP có thể giảm 0,3% vì chính phủ đóng cửa

Cuộc khủng hoảng xuất phát từ nỗ lực của một nhóm nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Hạ viện, yêu cầu dự luật ngân sách mới chỉ được thông qua sau khi dự luật cải cách bảo hiểm y tế, vốn được ông Obama hậu thuẫn, phải bị gác lại.

Yêu cầu này đã liên tục bị Thượng viện Mỹ cùng ông Obama bác bỏ. Thay vào đó, họ hối thúc phe Cộng hòa thông qua việc gia hạn kế hoạch ngân sách hiện tại để tạm thời đẩy lùi nguy cơ chính phủ phải đóng cửa.

Sâu xa hơn, việc chính phủ đóng cửa là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất sau một loạt những tranh cãi mang tính ý thức hệ, giữa đảng Dân chủ của ông Obama và phe Cộng hòa về quy mô của chính phủ Mỹ và vai trò của nó trong đời sống quốc gia.

“Một bộ phận của một đảng trong một viện của quốc hội thuộc một nhánh của chính phủ không thể khiến cả chính phủ đóng cửa chỉ để chống lại kết quả bầu cử”, ông Obama nói với hàm ý nhắc tới việc mình tái đắc cử. “Thời gian đang cạn dần. Hy vọng và mong muốn của tôi đó là một lần nữa ở phút chót, quốc hội sẽ lựa chọn đúng đắn và cụ thể là Hạ viện sẽ lựa chọn điều đúng đắn”.

Nhưng ở một thời điểm mà chính sách bên miệng hố chiến tranh ngày càng phổ biến, đảng Cộng hòa đã không ngừng nỗ lực loại bỏ Obamacare, hay dự luật chăm sóc y tế, đạo luật có tính ảnh hưởng xã hội sâu rộng nhất trong hàng thập kỷ qua.

Khi mà chỉ còn 3 giờ là tới hạn chót, các nghị sỹ tại Hạ viện Mỹ đã thông qua một đạo luật cho phép trì hoãn thêm một năm quy định buộc toàn bộ người Mỹ phải mua bảo hiểm y tế theo đạo luật mới.

“Đây là vấn đề về sự công bằng cho toàn thể người Mỹ”, chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố. Ông Boehner đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát tâm lý chống chính phủ lên cao của một nhóm nghị sỹ trong cuộc tranh luận kín ở Hạ viện.

Thế nhưng sau đó dự luật này đã nhanh chóng bị Thượng viện bác bỏ.

Những tranh cãi này khiến người đứng đầu Thượng và Hạ viện Mỹ có lẽ phải đứng trước một quyết định cuối cùng, xem liệu có thông qua nghị quyết về ngân sách mà không kèm theo bất kỳ điều khoản chính trị nào mà đảng Dân chủ đang yêu cầu hay không, trước khi chính phủ Mỹ ngừng hoạt động.

Tổng thống Mỹ Obama cảnh báo rằng một khi chính phủ đóng cửa, điều này có thể ảnh hưởng nặng nề tới một nền kinh tế, vốn đã trong tình trạng phục hồi chậm chạp sau cuộc suy thoái tồi tệ nhất hàng thập kỷ qua.

“Việc đóng cửa chính phủ sẽ có những tác động kinh tế nhãn tiền lên người dân ngay lập tức. Những đợt đóng cửa từng xảy ra đã khiến nền kinh tế bị gián đoạn lớn”, ông Obama cảnh báo.

Tổ chức tư vấn Consultants Macroeconomic Advisors nhận định tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ sụt giảm nếu chính phủ đóng cửa. Trong trường hợp chính phủ đóng cửa 2 tuần, tăng trưởng GDP có thể giảm 0,3%. Trong quý 2 vừa qua GDP của Mỹ tăng trưởng ở mức 2,5%.

Nếu không được nâng trần nợ công từ mức 16.700 tỷ USD hiện nay, chính phủ Mỹ sẽ lần đầu tiên trong lịch sử không thể thanh toán các khoản nợ từ giữa tháng 10.

Thanh Tùng
Theo AFP