1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Chính phủ không biết tin ai, khi số liệu thống kê mỗi nơi một kiểu"

(Dân trí) - “Cùng một mặt hàng mà có tới 2 số liệu thì Chính phủ biết tin bộ nào, dựa vào con số nào mà điều hành. Số liệu thống kê thiếu đồng nhất khiến Chính phủ không biết tin ai, điều hành như thế nào", đây là khẳng định cũng như trăn trở của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo Tổng cục Thống kê ngày hôm nay 16/8.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo của Tổng cục Thống kê về kết quả hoạt động ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: dù ngành thống kê cả nước đã có những nỗ lực trong việc tổng hợp, phân tích, dự báo số liệu thống kê nhưng nhìn chung chưa bao quát được phạm vi thống kê. Trong đó, đặc biệt là các số liệu thống kê thu nhập bình quân đầu người, số liệu dân số, việc làm, lao động, chi phí không chính thức, số liệu xuất nhập khẩu...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Phó Thủ tướng đặt câu hỏi với lãnh đạo Tổng cục Thống kê: Hiện nhiều người không tin vào số liệu thống kê, chẳng hạn như GDP bình quân đầu người của Việt Nam có phải hơn 2.000 USD không?

Phó Thủ tướng nói thêm: hiện vẫn còn tình trạng cát cứ trong sử dụng, cung cấp thông tin, số liệu thống kê, trong khi Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn báo cáo lên Chính phủ là xuất được 200.000 tấn thịt, thì con số mà Bộ Công Thương báo cáo là 300.000 tấn.

Trước thực trạng vênh số liệu thống kê, Phó Thủ tướng nói rõ hệ quả: Một vấn đề là khách du lịch có đóng góp như thế nào đối với phát triển kinh tế, chi tiêu như thế nào khi du lịch tại Việt Nam thì khi Chính phủ làm Đề án đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ lấy số liệu ngành cực khổ, số liệu về các vùng, ngành kinh tế còn cực khổ hơn nữa. “Cùng một mặt hàng mà có tới 2 số liệu thì Chính phủ biết tin bộ nào, dựa vào con số nào mà điều hành. Số liệu thống kê thiếu đồng nhất khiến Chính phủ không biết tin ai, điều hành thế nào", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Phó Thủ tướng nêu rõ thực tại: “Hiện con đường dài nhất là từ phòng nọ sang phòng kia, từ bộ nọ sang bộ kia. Có khi chỉ cần một cuộc điện thoại là giải quyết xong nhưng vẫn phải chờ thảo công văn, rồi gửi mất vài ngày… Giá trị gia tăng của số liệu thống kê thấp như vậy thì hiệu quả sử dụng hạn chế là phải”.

Chính vì những tồn tại của ngành, Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, ngành thống kê cần hạn chế việc vênh số liệu, thiếu đồng nhất trong thống kê số liệu. Các bộ, ngành địa phương phải thay đổi tư duy, cởi mở trong trao đổi và cung cấp số liệu thống kê.

"Đồng bộ hóa, chuẩn hóa, quy trình hóa và tin học hóa. Quá trình tổng hợp, phân tích, dự báo cần phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhưng phù hợp với điều kiện của Việt Nam là nhiệm vụ của ngành thống kê trong thời gian tới", Phó Thủ tướng nói. Phó Thủ tướng lưu ý: Cơ quan thống kê cần mạnh dạn công bố công khai, minh bạch số liệu kinh tế - xã hội. Điều này sẽ làm cho người dân tin vào cán bộ, tin vào thống kê. Nếu số liệu càng mập mờ sẽ khiến người dân càng nghi ngờ.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng cục Thống kê, với tư cách là cơ quan thống kê quốc gia phải “đưa ra thực đơn đủ hấp dẫn” để “chế biến” những sản phẩm thống kê ngày càng đa dạng. "Tránh việc đưa những sản phẩm thống kê chỉ có ý nghĩa con số nghiên cứu, không có ý nghĩa trong chỉ đạo điều hành. Trong công tác phân tích, dự báo thống kê, ngành phải bắt được số liệu biết nói", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Theo Phó Thủ tướng, để hạn chế những tồn tại của ngành trong thời gian tới, ngành thống kê phải rốt ráo thực hiện 4 chuẩn hoá (đồng bộ hoá, chuẩn mực hoá, quy trình hoá và tin học hoá) trong hoạt động thu thập xử lý, tổng hợp phân tích dự báo, truyền dẫn thông tin thống kê... theo chuẩn mực thông lệ quốc tế, nhưng phải hợp với thực tiễn Việt Nam.

Nguyễn Tuyền