Chính phủ đồng ý cấp phép cho hãng hàng không mới

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa đồng ý cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển chung cho Công ty cổ phần dịch vụ Globaltrans Air theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Globaltrans Air sẽ trở thành hãng hàng không chung thứ 3 của Việt Nam khai thác bay thương mại.

Dòng máy bay BeechCraft King Air B200 mà Globaltrans Air dự kiến khai thác
Dòng máy bay BeechCraft King Air B200 mà Globaltrans Air dự kiến khai thác

Theo văn bản số 515/TTg- KTN gửi Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đồng ý cấp giấy phép kinh doạn vận chuyển chung vì mục đích thương mại cho Công ty cổ phần dịch vụ Globaltrans Air. Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT thực hiện việc cấp phép theo đúng quy định của pháp luật, với sự đồng thuận của các bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao.

Khai thác hàng không chung là hoạt động bay phục vụ các vấn đề kinh tế quốc dân, bay khảo sát, bay du lịch, huấn luyện, bay phục vụ mục đích riêng của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu... Hoạt động bay này khác với khai thác thương mại phục vụ mục đích công cộng như Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific.

Globaltrans Air được thành lập năm 2014 tại TPHCM với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng và đã có hợp đồng mua 2 tàu bay BeechCraft King Air B200 bằng nguồn vốn tự có và vốn tín dụng. Globaltrans Air cũng đã có bộ máy tổ chức khai thác tàu bay, bảo dưỡng với các chức năng, các vị trí phụ trách khai thác, huấn huyện, an toàn - an ninh.

Trước đó, đánh giá hồ sơ của Globaltrans Air, Cục Hàng không Việt Nam cho biết Globaltrans Air đã xây dựng phương án kinh doanh và chiến lược phát triển phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường kinh doanh hàng không chung, có sự phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng phát triển thị trường vận tải hàng không, các yếu tố cạnh tranh và những yếu tố tác động ảnh hưởng tới thị trường hàng không Việt Nam.

Hiện nay, thị trường kinh doanh hàng không chung tại Việt Nam mới chỉ có 3 doanh nghiệp đang khai thác là Tổng Công ty trực thăng Việt Nam, Vasco và Hải Âu. Các doanh nghiệp này chưa cung cấp được đầy đủ các dịch vụ hàng không chung theo nhu cầu xã hội. Một số dịch vụ hàng không chung như bay khảo sát địa chất, chụp ảnh bản đồ, bay cứu thương… vẫn phải sử dụng dịch vụ của các hãng hàng không nước ngoài. Vì vậy, việc có thêm 1 doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp dịch vụ hàng không được Cục Hàng không Việt Nam cho là cần thiết.

Châu Như Quỳnh

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”