Chính phủ đề nghị sớm dùng tro, xỉ nhiệt điện để chặn "cát tặc"

(Dân trí) - Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình về nhiệm vụ, giải pháp quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác cát sỏi, trong đó có yêu cầu quy trách nhiệm Chủ tịch tỉnh nếu để xảy ra vi phạm; đồng thời đề nghị sớm dùng tro, xỉ than nhiệt điện để làm vật liệu san lấp công trình thay cát tự nhiên.

Theo Văn phòng Chính phủ, để quản lý tốt vấn nạn khai thác cát sỏi Chính phủ yêu cầu 7 Bộ và các tỉnh thành địa phương phải vào cuộc kiểm soát hoạt động khai thác cát.

Trong đó, trọng tâm là Bộ Giao thông Vận tải phải xử lý kiên quyết các phương tiện hoạt động không giấy phép, không đăng ký đăng kiểm hoặc nguồn gốc xuất xứ cát bất hợp pháp.

Khai thác cát trái phép bị thu giữ
Khai thác cát trái phép bị thu giữ

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo từ tháng 5/2017 dừng cấp mới các dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu các tuyến đường luồng hàng hải, luồng thủy nội địa kết hợp tận thu cát. Đối với các dự án đang cấp phép đúng quy hoạch, các bộ ngành phải phối hợp làm việc với các tỉnh thành có liên quan, hoặc các địa phương giáp ranh để có đánh giá, quản lý tốt hơn.

Đối với các dự án còn thời gian cấp phép, khi cho phép khai thác cát sỏi, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu trong quá trình hoạt động khai thác cát xảy ra vi phạm.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu các Bộ ban ngành đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất cát nhân tạo sử dụng làm vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên. Từng bước sử dụng vật liệu san lấp tại chỗ, bao gồm các loại phế thải công nghiệp, như tro, xỉ nhiệt điện, các phế thải khác... để không sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu san lấp.

Về vấn đề xử lý nạn cát tặc đã và đang diễn ra trong thời gian gần đây, theo báo cáo của Bộ Công an, đến nay cả nước phát hiện và bắt giữ gần 3.300 vụ khai thác cát trái phép và gần 2.000 vụ vi phạm tập kết, kinh doanh, số tiền phạt gần 30 tỷ đồng.

Thời gian vừa qua, cát tặc lộng hành ở nhiều địa phương: Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa và Hải Dương... Ngoài ra vấn đề xuất khẩu sang Singapore hơn 1 triệu m3 cát nhiễm mặn tại đảo Phú Quốc trong khi địa phương này vẫn phải mua đất từ đất liền để bồi đắp nhiều dự án, công trình quan trọng.

Theo báo cáo của liên Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc cát tặc lộng hành tại một số dòng sông ở các tỉnh phía Bắc và thuộc lưu vực Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long đang khiến dòng chảy của các con sông bị điều chỉnh, cát tặc khai thác không có quy hoạch, không chịu sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn là một trong những nguyên nhân khiến sạt lở hai bên bờ sông diễn ra tại nhiều tỉnh thành trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, việc nạo vét cát nhiễm mặn bồi lên ở một số cảng biển ở Phú Quốc, giao cho DN xuất sang Singapore đang gây phản ứng tiêu cực vì nguy cơ xuất khẩu những tài nguyên thiên nhiên với giá trị rẻ mạt, trong khi đó lại phải lấy đất ở trong đất liền bồi đắp cho các công trình, dự án tại đảo Phú Quốc.

Nguyễn Tuyền