1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lùi thời hạn thông qua Luật Đặc khu:

Chính phủ đã cầu thị, lắng nghe nguyên vọng của nhân dân

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội đánh giá, việc Chính phủ chủ động xin lùi thời hạn thông qua Luật Đặc khu tại kỳ họp lần này là một tin vui, nói lên Chính phủ đã cầu thị, tôn trọng ý kiến của nhân dân.

Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt sẽ được lùi thông qua để có thêm thời gian nghiên cứu.
Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt sẽ được lùi thông qua để có thêm thời gian nghiên cứu.

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông cáo cho biết, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.

Việc lùi thời hạn thông qua nhằm bảo đảm dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Riêng về vấn đề thời hạn cho thuê đất, sẽ xem xét, trình Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật đất đai, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm.

"Ý nguyện của nhân dân là tối thượng"

Bình luận về quyết định này, ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ trên trang viết cá nhân: "Đây là một tin vui, nói lên Chính phủ đã cầu thị, tôn trọng ý kiến của nhân dân, chủ động cùng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất sẽ trình Quốc hội chưa thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc vào kỳ họp thứ 5 này".

Bên cạnh đó, ông Vũ Mão cũng cho rằng, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư đã lắng nghe thấu đáo nguyện vọng của nhân dân nên đã đồng thuận với Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lui lại việc Quốc hội thông qua Dự án Luật tại kỳ họp này. Cùng với đó, nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều cử tri đã thể hiện tinh thần yêu nước cao cả mà cương trực, trung thực đóng góp những ý kiến xác đáng cho Quốc hội trong việc xem xét nghiêm túc Dự án Luật.

Đề xuất những việc cần làm trong thời gian tới, ông cho rằng, cần phải tổng hợp toàn bộ và phân loại những ý kiến đóng góp để nghiên cứu tiếp thu. Đồng thời, Nhà nước ta đã có Luật trưng cầu ý dân được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua vào ngày 25/11/2015, đây là cơ hội rất tốt để triển khai, lấy ý kiến của nhân dân về Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. "Ý nguyện của nhân dân là tối thượng", ông bình luận.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng chia sẻ cảm xúc: "Hoan nghênh Chính phủ! Lắng nghe không chỉ biểu thị trình độ văn hoá, mà còn cả năng lực trí tuệ".

Trước đó, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cũng phân tích cho rằng, các nguồn lực khan hiếm của đất nước cần phải đầu tư vào TPHCM hay Hà Nội để thúc đẩy kinh tế phát triển và tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh nhất chứ không phải là vào những nơi nằm xa các trung tâm kinh tế, cơ sở hạ tầng vật chất-kỹ thuật, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội chưa phát triển như Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Ông cũng cho rằng, nếu Luật Đặc khu là để thực nghiệm thể chế để tiếp tục đổi mới đất nước là rất quan trọng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là thế chế nào thì dự luật lại không đề cập tới.

"Nếu thể chế là theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, thì một nền hành chính độc lập và mạnh mẽ là điều kiện tiên quyết. Điều này được thể hiện ở một mức độ nhất định tại dự thảo đầu tiên, nhưng gần như đã biến mất hoàn toàn sau nhiều lần sửa đổi. Nếu thể chế là theo mô hình tự quản địa phương, thì điều này thậm chí hoàn toàn không được nhắc tới trong dự luật. Nghĩa là xét từ góc độ thí điểm thể chế, thì việc thiết kế trong dự luật đã không thành công", ông Dũng nhận định.

"Phải được sự đồng thuận cao"

Về quyết định này, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự vui mừng khi Chính phủ, Quốc hội đã cho thấy sự cầu thị, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) bình luận, đây là một quyết định "kịp thời và hợp lòng dân" và đã phản ánh được tâm tư nguyện vọng chung của người dân. Ông Trí cũng hi vọng, tới đây các đại biểu cần có nghiên cứu cụ thể và Luật cần được trưng cầu ý kiến của nhân dân như một số đại biểu Quốc hội từng đề nghị.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho đây là tín hiệu rất tốt và hy vọng người dân sẽ phần nào yên tâm, sẽ tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng vào Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới.

"Một đạo luật khi được thông qua, có thể không nhận được sự thống nhất tuyệt đối nhưng nhất định phải đạt được sự đồng thuận cao hoặc cũng phải tương đối giữa ý chí của nhân dân với ý chí của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên có những dự luật trình ra nhiều kỳ họp vẫn khiến dư luận “dậy sóng” đã làm cho cá nhân tôi cũng như nhiều đại biểu khác rất băn khoăn, nghi ngại trong việc tham mưu xây dựng luật”, đại biểu cho biết.

Còn theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đánh giá đây là một quyết định rất hợp lý, vì nếu không, ngay khi chuẩn bị bấm nút, có thể rất nhiều đại biểu trong đó có ông sẽ rất phân vân và vẫn tiếp tục phát biểu ý kiến.

"Thủ tướng dù đang công tác ở Canada nhưng đã chứng tỏ một trong 3 tiêu chí mà ông định hướng cho nhiệm kỳ Chính phủ của mình, đó chính là một Chính phủ "hành động" sau khi đã lắng nghe các ý kiến trái chiều. Tôi đánh giá cao quyết định này", ông Hiếu nói.

Về tiến trình tiếp theo, vị đại biểu cho rằng, cần thật sự nghiêm túc lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm ra một cách làm khác cho việc xây dựng dự án luật về đặc khu. Ban soạn thảo cũng cần hết sức lưu ý là các điều khoản liên quan đến chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ.

Phương Dung

Chính phủ đã cầu thị, lắng nghe nguyên vọng của nhân dân - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm