Chiêu móc túi kép của dân buôn rau

Dân buôn rau thường đến tận nơi nông dân trồng để tận mua với giá rất mềm, nhưng bày bán ở các chợ Hà Nội, giá đã bị hét lên gấp 2-3 lần, thậm chí gấp 5 lần.

Bí kíp để dân buôn bán mua được rau quả với giá rẻ tuy không mới nhưng người nông dân chất phác vẫn bị mắc bẫy. Bác Lâm, một nông dân xã Đông Dư (Gia Lâm), cho biết: "Các làng rau luôn trong tình trạng sẵn sàng cung ứng rau sạch cho người dân nội thành, nhưng tại những người buôn bán tung tin thiếu nguồn cung để tha hồ hét giá. Trong khi đó, họ mua rau của chúng tôi với giá rất rẻ".

 

Khảo sát một số vùng ven Hà Nội cho thấy, giá rau xanh không có dao động gì. Giá một kg bắp cải ở Tây Mỗ chỉ khoảng 4.500 đồng, còn được bán ở Hoàng Mai là 7.000 đồng, chợ Ngã Tư Sở 8.000 đồng. Đó là chưa kể dân buôn còn dùng chiêu đổ nước vào bắp cải, làm mỗi cái tăng thêm ít nhất hai lạng.

 

Cũng như vậy, giá cà pháo ở Tây Mỗ, Hà Đông chỉ khoảng 13.000 đồng/kg nhưng ở  Định Công - Hoàng Mai, Trường Chinh, Thanh Xuân, một kg cà pháo giá lên tới 20.000 đồng/kg, thậm chí ở chợ Khương Thượng còn mắc hơn, 22.000 đồng/kg.

 

Cà chua và các loại rau thơm vùng chuyên rau Tây Tựu, Minh Khai, Đông Dư (Gia Lâm) chỉ dao động từ 2.000-3.000 đồng/kg nhưng ở chợ Khương Thượng, chợ Láng Hạ bán lên 6.000 đồng/kg; rau muống, rau cần và một số loại rau cùng loại ở Phú Diễn (huyện Từ Liêm), vùng rau Thanh Trì bán với giá 2.000-3.000 đồng/bó, nhưng khi về đến chợ Mai Động, chợ Mơ, giá đã đội lên 6.000-8.000 đồng/bó, đó là chưa kể những ngày nắng mưa thất thường các chủ thương ở đây sẽ tùy vào thời tiết để bảo nhau cùng điều chỉnh giá lên cho khớp với thị trường.

 

Chiêu móc túi kép của dân buôn rau
Giá rau rẻ mạt vùng ven đô, còn người tiêu dùng HN phải mua giá đắt đỏ (ảnh chụp tại chợ đầu mối phía Nam)

 

Chị Huyền - một người bán rau ở chợ đầu mối Mai Động, thản nhiên nói: "Rau quả ở thành phố đắt hơn ở quê là chuyện thường!". Thế nhưng, với cách nâng giá vô tội vạ ở thành phố, trong khi người nông dân phải bán với giá rẻ mạt thì đã không còn là chuyện bình thường nữa.

 

Không chỉ  vậy, cứ khi nào nông dân rón rén tăng giá lên đôi chút thì thương lái lấy cớ, rủ nhau chờ thời cơ buộc nông dân hạ giá rồi cho người đi thám thính thấy giá giảm mới mua.

 

Anh Phạm Thanh Hoàng, một nông dân ở Thanh Trì, phàn nàn: "Vụ này tôi có hai héc ta rau xanh, thấy được giá đang tính bán nhưng khi giá rau nhích lên được một vài hào thì thương lái lại ngừng mua".

 

Nhìn luống rau đang dần chuyển từ màu xanh sang màu vàng của mình, anh nói tiếp: "Như đã thành cái lệ rồi, họ bảo nhau ngừng mua một hai hôm, buộc nông dân phải bán tháo vì sợ rau quá vụ. Hơn nữa, chúng tôi còn phải làm vụ mới nữa nên cũng phải bán nhanh, không bán thì bỏ héo cả lại càng lỗ nên phải cắn răng mà bán thôi".

 

Tại chợ đầu mối phía Nam, một người buôn bán rau quả, sau khi đã gom đủ hàng, chỉ chở một phần về nơi bán. 2/3 số rau được chị ta ký gửi lại chợ đầu mối. Sau khi dò hỏi, chúng tôi được biết người buôn gửi ở đây vài ngày nữa mới lấy. "Rau này là người ta mua để dự phòng, một vài ngày nữa mới lấy. Vì sợ hết hàng, với lại để tạo tâm lý khan hiếm để đẩy giá bán lên, vừa có lãi vừa đỡ mất công đi lấy nhiều", một người dân cho biết.

 

Theo Nguyễn Tài Tiến

VEF