1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Trung Quốc:

Chiêu lạ hút khách của các đại gia “hàng hiệu”

(Dân trí) - Với việc khách hàng tại Trung Quốc đại lục ngày càng chú ý tới giá cả trong khi thuế nhập khẩu vẫn ở mức cao, ngày càng nhiều hãng kinh doanh hàng xả xỉ đang dụng một chiêu quen thuộc của các casino: đón khách tới cửa hàng của mình ở nước ngoài.

Với các tập đoàn hàng hiệu như PPR và LVMH, những người đã phải chi rất nhiều tiền trong những năm qua để mở gian hàng ở khắp Trung Quốc, việc người đại lục đang ngày càng thích mua sắm ở nước ngoài khiến họ buộc phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Các hãng hàng xa xỉ đang làm mọi cách lôi kéo “nhà giàu” Trung Quốc
Các hãng hàng xa xỉ đang làm mọi cách lôi kéo “nhà giàu” Trung Quốc

“Kết quả kinh doanh của các công ty hàng xa xỉ trong quý 1 rõ ràng cho thấy doanh số mua hàng của người Trung Quốc ở nước ngoài tiếp tục tăng mạnh hơn tại chính Trung Quốc”, Vincent Liu, giám đốc của công ty tư vấn Boston Consulting Group tại Hong Kong cho biết.

Ông Liu nhận định khoảng một phần ba hàng xa xỉ, từ túi xách tới giày dép hay mỹ phẩm, được người Trung Quốc mua ở trong nước, tương đương với lượng hàng xa xỉ họ mua tại Hong Kong, Macau và ở những nơi khác trên thế giới.

Giá hàng xa xỉ tại Trung Quốc đại lục thường đắt hơn từ 30 – 40% so với tại Hong Kong do mức thuế nhập khẩu cũng như các chiến lược về giá của nhà sản xuất. “Cửa hàng thực sự của họ là ở Hong Kong hoặc Paris. Những cửa hàng tại Trung Quốc là chỉ để phục vụ cuộc chiến thương hiệu”, Renee Hartmann, đồng sáng lập công ty tư vấn China Luxury Advisors khẳng định.

Các thương hiệu cao cấp hiện ngày càng tăng cường tổ chức các sự kiện tại Bắc Kinh hoặc Thượng Hải dành riêng cho một nhóm khách hàng nhất định. Tại những sự kiện này khách hàng sẽ nộp tiền đặt cọc cho những món hàng họ muốn mua tại Trung Quốc đại lục và sau đó được đặt vé trên một chuyến bay riêng tới Hong Kong để hoàn tất thương vụ mua sắm.

Việc này không chỉ giúp họ quản lý tốt hơn mới quan hệ với các khách hàng giàu có mà còn là một kênh tiếp thị quan trọng. Các chuyên gia trong ngành so sách việc này với chiến thuật các casino hay sử dụng để lôi kéo các tay chơi chịu chi, bằng cách thuê máy bay riêng, khách sạn 5 sao cho con bạc.

“Đối với những khách hàng VIP thực sự, họ có thể làm bất cứ việc gì họ cho là cần thiết”, Torsten Stocker, trưởng bộ phận thị trường tiêu dùng Trung Quốc của Monitor Deloitte nhận định. “Việc này cũng tương tự như ngành cờ bạc cao cấp, khi mọi người được máy bay tới đón tới các casino ở Macau hay Singapore”.

Ngoài ra, một lí do khác để các thương hiệu hàng xa xỉ đẩy mạnh việc đón khách tới các gian hàng của mình ở nước ngoài mua sắm đó là do chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ Trung Quốc.

Hồi đầu năm nay, tân Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch bài trừ tham nhũng, và kêu gọi các quan chức hạn chế mua hàng xa xỉ. Việc này đã có tác động tiêu cực lên thị trường quà tặng cao cấp, vốn đối tượng chính là các quan chức.

“Giờ họ không còn đặt nặng vấn đề phải mở cửa hàng tiếp theo ở đâu hay phải làm gì để mở rộng mạng lưới nhanh hơn mà trọng tâm sẽ là những cửa hàng tại Trung Quốc có vai trò gì?, vai trò của các gian hàng ở nước ngoài ra sao? và thực sự bao nhiêu cửa hàng tại Trung Quốc là đủ? Sự thay đổi về cách nghĩ này có lẽ đã bắt đầu từ 2-3 năm trước”, Stocker nhận định.

LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ số 1 thế giới, tháng trước cho biết doanh số tại Trung Quốc trong 9-10 tháng qua hầu như không tăng do kinh tế giảm sút và chính phủ ngăn chặn nạn “đổi” quà lấy sự ưu ái.

Việc giá cả tại châu Âu tăng cũng khiến việc mua sắm ở Paris hay Milan kém hấp dẫn hơn với du khách châu Á, nhưng dù sao đây vẫn là điểm đến số 1 của các du khách rủng rỉnh hầu bao từ Trung Quốc. LVMH từ đầu năm đã tuyên bố tạm ngừng mở rộng mạng lưới toàn cầu của thương hiệu Louis Vuitton.

Trong khi đó các hãng đồng hồ hạng sang và đồ trang sức cũng đang áp dụng chiến thuật đón khách ra nước ngoài tương tự. Piaget, một thương hiệu đồng hồ cao cấp của Thụy Sỹ thông thường vẫn có 2 chuyến du lịch cho 50 khách hàng VIP mỗi năm. Năm nay họ dự tính sẽ tăng số chuyến đi lên.

“Đây là cách tốt nhất để nói về thương hiệu và những di sản, sự chính thống của nó”, Philippe Leopold-Metzger, CEO của hãng khẳng định trước khi cho biết thêm số lượng khách mời năm nay sẽ là con số “mở”. “Tất nhiên họ mua, chúng tôi không buộc họ làm vậy nhưng họ muốn vậy”.

Nhiều người giàu có tại Trung Quốc cũng thích thú việc tìm các món hàng độc ở nước ngoài. Một khi tìm được, họ lên máy bay, tới thẳng địa điểm với một mã hàng duy nhất trong tay và mua món hàng đã chọn với một mức giá thấp hơn trong nước.

Hiện tượng này từng được ghi nhận trong dịp Tết âm lịch vừa qua. Trong tháng này, doanh số hàng xa xỉ trong nước giảm tới 53%, trong đó mặt hàng đồ da và đồng hồ lần lượt giảm 63% và 95%. Thế nhưng chi tiêu tại nước ngoài của du khách Trung Quốc trong dịp này vẫn tăng 18%, lên 8,5 tỷ USD và một nửa số này được mua tại châu Âu.

Xiao Yu, một sinh viên 21 tuổi người thường tới châu Âu mua sắm hàng xa xỉ 2 lần mỗi năm để dùng và bán lại cho biết, mỗi lần cô thường chi khoảng 15.000 USD tại các gian hàng của Chanel, Burberry and Louis Vuitton.

“Thuế ở đây quá cao, không ai lại mua túi xách ở Trung Quốc. Giá tại Hong Kong so với Pháp và châu Âu cũng đắt hơn lại luôn hết hàng đối với những sản phẩm được ưa chuộng”, Yo khẳng định với Reuters. “Chúng tôi có thể mua những thương hiệu đó tại Trung Quốc nếu giá thấp hơn, nhưng điều đó là không thể xảy ra”.

Thanh Tùng
Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm