“Chiến tranh tiền tệ” đang gõ cửa châu Á?
Liệu làn sóng cắt giảm lãi suất đầy bất ngờ đang nổi lên ở khu vực châu Á có báo hiệu cho một cuộc “chiến tranh tiền tệ” trong khu vực?
Thật khó để không xem làn sóng cắt giảm lãi suất gây bất ngờ của các ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á, từ Trung Quốc, Ấn Độ cho tới Singapore, trong năm nay là không nhằm giành lợi thế cho xuất khẩu - Ảnh: BusinessKorea
Tuy vậy, theo tờ Wall Street Journal, cả Hàn Quốc và Thái Lan - hai nước cùng cắt giảm lãi suất trong tuần này - đều có lý do để lo ngại trước sự tăng giá của đồng nội tệ. Đồng Won đã giảm giá so với đồng USD vốn đang tăng giá mạnh, nhưng đã tăng giá 10% so với đồng Euro kể từ đầu năm tới nay. Ngoài ra, đồng Won cũng tăng giá khoảng 10% so với đồng Yên Nhật trong vòng 1 năm qua.
Từ lâu, Hàn Quốc đã phàn nàn về đồng Yên yếu, khiến các nhà xuất khẩu của xứ kim chi khó cạnh tranh với các đối thủ đến từ đất nước mặt trời mọc. Sự mất giá mạnh của đồng Euro trong thời gian gần đây càng khiến các công ty xe hơi và đóng tàu của Hàn gặp khó nhiều hơn do phải cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất của châu Âu.
“Hàn Quốc xuất khẩu một lượng lớn hàng hóa sang Eurozone”, Thống đốc Lee nói. “Biến động tỷ giá đồng Euro có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu của Hàn Quốc, giống như biến động tỷ giá đồng Yên”.
Trong cuộc họp báo, Thống đốc Lee đã né tránh những câu hỏi về một cuộc “chiến tranh tiền tệ”, nói rằng chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ ở châu Âu và Nhật Bản là nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách nhằm thúc đầy nhu cầu tiêu dùng trong nước chứ không nhằm làm suy yếu tỷ giá đồng nội tệ.
Tuần này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu in tiền để mua trái phiếu chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Dư địa hạ lãi suất của ECB gần như đã không còn bởi lãi suất ngắn hạn đã xuống gần 0%. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng đang áp dụng cách làm tương tự như ECB.
Chương trình nới lỏng định lượng (QE) của ECB, cùng với lãi suất tiền gửi âm ở Eurozone, đã khiến các dòng vốn chảy ra khỏi châu Âu, gây sức ép mất giá mạnh cho đồng Euro và đẩy lợi suất trái phiếu giảm trên phạm vi toàn cầu.
Có luồng quan điểm cho rằng, xét cho cùng, những nỗ lực nhằm kích thích nhu cầu này là tốt bởi sẽ giúp gia tăng nhu cầu của thị trường châu Âu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản nói riêng và khu vực châu Á nói chung. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, các quốc gia chỉ đang “đánh cắp” nhu cầu lẫn nhau mà không đem lại một lợi ích tổng thể nào.
Khi Mỹ đẩy mạnh chương trình mua trái phiếu vào năm 2010, đồng USD mất giá và các quốc gia như Brazil đã lên tiếng về nguy cơ xảy ra “chiến tranh tiền tệ”.
Thật khó để không xem làn sóng cắt giảm lãi suất gây bất ngờ của các ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á, từ Trung Quốc, Ấn Độ cho tới Singapore, trong năm nay là không nhằm giành lợi thế cho xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, đã có 24 nền kinh tế trên thế giới, trong đó có nhiều nền kinh tế châu Á, tiến hành hạ lãi suất.
Một số chuyên gia kinh tế khẳng định, động thái cắt giảm lãi suất mới nhất của BoK chủ yếu nhằm làm đồng Won suy yếu. Đồng tiền này đã mất giá 0,5% so với đồng USD và 0,7% so với đồng Euro ngay sau khi có tin lãi suất hạ.
Quyết định hạ lãi suất mà Thái Lan đưa ra vào hôm thứ Tư cũng làm lợi cho các nhà xuất khẩu của nước này. Thời gian gần đây, các nhà xuất khẩu của Thái Lan đã phàn nàn nhiều về đồng Baht mạnh.
Cho dù các thống đốc ngân hàng trung ương có nói gì đi chăng nữa, nhiều người trong số họ chắc chắn đang hy vọng việc hại lãi suất sẽ giúp đồng nội tệ mất giá so với đồng tiền của các nước láng giềng. “Họ đang nghĩ về việc hạ lãi suất trong bối cảnh của chiến tranh tiền tệ”, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á David Mann của ngân hàng Standard Chartered nhận xét.
Thống đốc Lee của BoK muốn “vẽ” ra một bức tranh trong đó hạ lãi suất là một nỗ lực nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa ở Hàn Quốc. Hiện nền kinh tế hướng ra xuất khẩu của nước này đang phải đối mặt với những trở ngại do nhu cầu suy yếu ở thị trường Mỹ và châu Âu. Dân số già hóa nhanh, mức nợ cao của các hộ gia đình, và tiền lương tăng chậm đã trở thành vật cản đối với nhu cầu tiêu dùng ở Hàn Quốc. Lạm phát của Hàn Quốc trong tháng 2 vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 15 năm.
Một số chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi liệu lãi suất giảm xuống có thể giúp kích thích nhu cầu trong một bối cảnh như vậy. Mức nợ của các hộ gia đình ở Hàn Quốc đã cao hơn mức nợ của các hộ gia đình Mỹ trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn, và người tiêu dùng Hàn Quốc đang tập trung cho việc trả những khoản nợ đã vay. Hai lần cắt giảm lãi suất trong năm 2014 đã không thể kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa ở Hàn Quốc.
“Chẳng rõ liệu giảm lãi suất sẽ giúp nhu cầu nội địa tăng được bao nhiêu. Họ chỉ đang cố gắng để không bị thua thêm nữa ở lĩnh vực xuất khẩu”, chuyên gia kinh tế Santitarn Sathirathai thuộc ngân hàng Credit Suisse nhận định.
Có một rủi ro đối với các nước theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng là các nước này có thể sẽ phải đối mặt với sự tháo chạy của các dòng vốn một khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu nâng lãi suất, có khả năng là trong năm nay. Tuy vậy, dòng vốn từ châu Âu, một phần chảy sang châu Á, làm giảm bớt mối lo ngại này.
Riêng trong trường hợp của Hàn Quốc, thặng dư cán cân vãng lai cũng giúp nước này giảm độ phụ thuộc vào các dòng tiền nóng. Trong khi đó, Indonesia là quốc gia mà các chuyên gia kinh tế cho là nên thận trọng trước khi cắt giảm lãi suất thêm lần nữa.
Theo Bạch Dương
VnEconomy