Chiến lược sinh tồn kỳ quặc của Coca, Pepsi và Viettel
Thay vì kích thích khách hàng dùng sản phẩm, dịch vụ của mình ngày một nhiều để tăng doanh thu, Coca, Pepsi và Viettel lại đưa ra những tư vấn, khuyến cáo ngược lại.
Khi người dân ngày càng chi tiêu nhiều hơn cho các đồ ăn, đồ uống tốt cho sức khỏe hai công ty đồ uống khổng lồ của thế giới là Coca và Pepsi tìm cách lấy cảm tình của khách hàng bằng cách khuyến khích khách hàng mua và uống các sản phẩm của mình ít đi. Bên cạnh đó, 2 “người khổng lồ” này cũng bắt đầu hướng đến phát triển các dòng đồ uống có lợi cho sức khoẻ.
Thực chất, những hành động được coi là “chiến lược sinh tồn kỳ quặc” này bắt nguồn từ một thực tế khắc nghiệt: doanh số của các dòng sản phẩm nước có ga, nhiều đường có chiều hướng suy giảm. Bên cạnh đó, khi thương hiệu bị gắn với mác dòng sản phẩm không tốt cho sức khoẻ, người tiêu dùng sẽ cảnh giác với tất cả các sản phẩm do thương hiệu này làm ra.
Chính vì thế, khuyến cáo kiểu “tốt hơn cho sức khoẻ của bạn” mà những thương hiệu này đưa ra là trở thành điểm sáng trong con mắt của người tiêu dùng để dần lấy lại niềm tin của khách hàng.
Tại Việt Nam, một doanh nghiệp viễn thông lớn trong nước cũng có động thái tương tự. Thay vì kích thích khách hàng gọi, nhắn tin và sử dụng data (3G) nhiều hơn, Viettel lại liên tục đưa ra các khuyến cáo, tư vấn để khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông của mình hiệu quả hơn (đồng nghĩa với việc khuyên khách hàng tiêu dùng ít đi).
“Chiến lược sinh tồn kỳ quặc” của Viettel cũng có bối cảnh hơi giống Pepsi và Coca: ngành viễn thông Việt Nam đang phát triển đến ngưỡng bão hoà và đứng trước một cuộc thay đổi lịch sử khi các ứng dụng OTT ngày một phát triển mạnh.
Trong bối cảnh đó, nhà mạng lớn nhất tại Việt Nam quyết định thực hiện các chiến dịch “tư vấn kỳ quặc” với thông điệp “làm thế nào để sử dụng dịch vụ Viettel tốn ít tiền nhất mà vẫn hiệu quả”.
Chưa hết, thương hiệu này còn đi xa hơn với việc tạo ra hàng loạt công cụ tra cứu ngay trên điện thoại giúp khách hàng dễ dàng quản lý chi phí và tối ưu việc sử dụng dịch vụ như “săn” khuyến mại cuộc gọi và tin nhắn (*109#) và khuyến mại data (*191#)… Hay tra cứu về các dịch vụ giá trị gia tăng (VAS) mình đang dùng (TC gửi 1228) để quyết định có tiếp tục sử dụng hay không, từ đó tối ưu hoá chi phí.
Thậm chí, theo thông tin mới nhất, nhà mạng này sắp tới sẽ tối ưu cú pháp tra cứu dịch vụ Vas vào luôn các đầu số 191, 109, giúp khách hàng dễ sử dụng hơn so với hiện nay.
Khi nhu cầu về SMS đang suy giảm, Tập đoàn Viễn thông này còn kỳ công phát triển ứng dụng chặn tin nhắn rác đầu tiên ở Việt Nam, cho phép chặn tới hơn 90% lượng tin nhắn rác không mong muốn. Quyết định này đồng nghĩa với việc bỏ đi doanh thu của gần nửa triệu tin nhắn mỗi ngày, chỉ để bảo vệ khách hàng khỏi những phiền toái của tin nhắn rác.
Thêm vào đó, nhà mạng này còn thực hiện hàng loạt clip để chia sẻ với khách hàng về tác hại của việc nghiện Smartphone sẽ có hại như thế nào tới tình yêu, cuộc sống gia đình…, điều sẽ không tốt cho việc tiêu dùng dịch vụ của họ.
Vì sao nhà mạng này lại làm như vậy? Trao đổi với chúng tôi, một đại diện của Tập đoàn viễn thông Quân đội cho biết: “Khi thị trường đã phát triển ở mức cao, nhu cầu về SMS, thoại, data của người dùng sẽ đạt ngưỡng bão hoà nhanh chóng. Chính vì thế, chúng tôi muốn làm cho khách hàng hài lòng với từng đồng chi phí mà họ trả cho nhà mạng. Niềm tin của khách hàng được giữ vững chính là chìa khóa thành công cho mọi doanh nghiệp”.
Vị lãnh đạo này phân tích thêm, khi nhu cầu đã đạt ngưỡng bão hoà thì điều quan trọng không phải là níu giữ bằng các biện pháp kích thích mà là tạo ra các nhu cầu mới hữu ích hơn. “Viettel sẽ phát triển thêm các dịch vụ mới, giúp khách hàng tăng thêm thu nhập (dịch vụ giúp khách hàng kiếm tiền) khi sử dụng hoặc làm cho khách hàng giải trí tốt hơn… Đây mới là hướng đi chiến lược”, ông này nói.
Trần Long