Chi tiết hàng loạt sự thật như Dung Quất
Sau 5 năm xin nâng vốn đầu tư, chủ đầu tư dự án Thép Guang Lian (Dung Quất) đã chính thức xin giảm vốn.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Thép Guang Lian được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2006, đầu tiên là cho Tập đoàn Tycoons (Trung Quốc), sau đó có thêm sự tham gia của E-United (Đài Loan), với tỷ lệ góp vốn tương ứng là 10% và 90%.
Nhưng sau khi khởi công và thực hiện một số hạng mục như đóng cọc xây dựng, ký túc xá cho người lao động thì đến năm 2010, dự án tạm dừng lại để chờ giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lên 4,5 tỷ USD.
Trước việc đất dự án bị bỏ hoang nhiều năm, dư luận Quảng Ngãi đã không khỏi bức xúc. Cơ quan quản lý nhà nước cũng sốt ruột. Mọi chuyện phần nào được giải tỏa khi đầu năm 2012, JFE, tập đoàn thép lớn thứ 6 toàn cầu và thứ hai ở Nhật Bản, quyết định ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu hợp tác đầu tư dự án.
Cuối cùng, sau hai năm nghiên cứu, đề xuất hàng loạt chính sách ưu đãi đầu tư, xin thêm đất, điều chỉnh quy hoạch cảng chuyên dụng… thậm chí còn tính đến phương án nâng vốn đầu tư của dự án lên 7,5 tỷ USD, JFE bất ngờ rút lui.
Được cấp giấy phép từ lâu, nhà máy thép Guang Lian Dung Quất đã triển khai chậm tiến độ gần 10 năm, chủ yếu do năng lực tài chính hạn chế. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đánh giá điều chỉnh vốn sẽ "phù hợp với tình hình thực tế và khả năng thu xếp tài chính cho dự án".
Chi tiết hàng loạt KCN có thể bị thu hồi
Trong khi đó, ngày 22/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng công bố kết quả rà soát các khu công nghiệp trên cả nước và hướng xử lý đối với các dự án có vấn đề...
Đáng chú ý, theo khảo sát của Bộ, hàng loạt khu công nghiệp ở Vĩnh phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Ninh Thuận…nằm trong diện “có vấn đề”.
Cụ thể, có 14 khu công nghiệp nằm trong diện có tỷ lệ lấp đầy thấp, chưa đền bù, giải phóng mặt bằng và chưa đầu tư xây dựng hạ tầng.
Trong đó có 5 khu công nghiệp đã được giải quyết theo hướng giảm diện tích quy hoạch, chuyển đổi nhà đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tiếp tục triển khai thực hiện dự án, gồm: khu công nghiệp Quang Minh 2 - Hà Nội, khu công nghiệp Cộng Hòa - Chí Linh và khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền (Hải Dương), khu công nghiệp Kim Động (Hưng Yên) và khu công nghiệp Phong Phú (Tp.HCM).
Ngoài một số khu công nghiệp đã bị “xoá sổ” còn nhiều khu công nghiệp khác cũng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thu hồi.
Chính vì vậy, Giáo sư Nguyễn Mại, vị chuyên gia kỳ cựu về FDI nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng, với những dự án chậm triển khai cần phải nhanh chóng thu hồi để dành cơ hội cho nhà đầu tư khác.
Với những dự án đã xác định là không thể triển khai nên được thu hồi sớm, dành đất cho các dự án khác. Và quan trọng hơn, cần thẩm định kỹ ngay từ khi nhà đầu tư đến để đề xuất đầu tư, tránh tình trạng nhà đầu tư chỉ "xí phần" rồi để đấy nhằm mua bán lòng vòng dự án để kiếm lời.
Đặc biệt, phải lấy nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để thành lập.
"Khi lập ra các khu kinh tế, ai quản lý được vấn đề xây dựng và chi tiêu trong đó? Các động cơ để xây dựng khu kinh tế thì chẳng cần phải chứng minh kỹ thuật gì, không có một quy trình nào để nói rằng lập ra khu kinh tế này thì hiệu quả mà là do các tỉnh. Các tỉnh vì muốn có thành tích hay có tiền để chi tiêu thì phải lập ra thứ nọ thứ kia để xin, còn thành công hay không thì mặc kệ", chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Theo Thái Linh (Tổng hợp)