Chỉ số P/E đang cao hơn mức an toàn

Số liệu của UBCK Nhà nước cho thấy, tính đến cuối quý 1/2007, chỉ số P/E bình quân tại Trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM là 28,40; tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội là 45,10; trong khi mức được coi là an toàn chỉ trong phạm vi từ 10-17.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng-Vụ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), yếu tố “bong bóng” trên thị trường thể hiện rất rõ ở chỉ số P/E (giá/thu nhập) bình quân hiện nay đang vượt xa mức an toàn thông thường.

Nhiều giải pháp để thị trường chứng khoán phát triển bền vững và trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế đã được thảo luận sôi nổi trong một cuộc hội thảo khoa học do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 9/5 tại Hà Nội.

Đánh giá về diễn biến của thị trường thời gian qua, ý kiến chung của các chuyên gia cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả khá ấn tượng và được xem là thị trường chứng khoán hấp dẫn nhất thế giới năm 2006, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá thất thường, chưa thể coi là thước đo của nền kinh tế và chưa là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp.

Lý giải cho nhận định này, Tiến sĩ Phạm Huy Hùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam cho rằng, quan hệ cung cầu chứng khoán mất cân đối nghiêm trọng và tâm lý đầu tư ngắn hạn theo kiểu “bầy đàn” đã khiến cho thị trường phát triển chưa thực sự vững chắc.

Chỉ số VN-Index tăng cao đột biến do các yếu tố không gắn với kết quả kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai của doanh nghiệp niêm yết đồng thời tạo ra nguy cơ sụt giá cổ phiếu nhanh.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Minh, cán bộ thuộc Phòng vốn của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam thì nhận định, chính sự mất cân đối cung cầu dẫn tới tình trạng tăng trưởng nóng của thị trường trong thời gian gần đây. Tính đến nay, mới chỉ có 193 cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch tập trung, trong khi đó thống kê có tới 120.000 tài khoản giao dịch chứng khoán.

Tại hội thảo chủ đề “Thị trường chứng khoán và tác động của nó đến thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh gia nhập WTO” này, nhiều đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính cũng đề xuất các giải pháp hoàn thiện khuôn khổ, pháp lý, thực hiện các cam kết WTO, tổ chức và điều hành thị trường chứng khoán theo chuẩn mực quốc tế, đảm bảo tính minh bạch, công khai của thị trường.

Trong đó, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước đi đôi với việc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch để tăng lượng hàng hoá cho thị trường chứng khoán được coi là một trong những giải pháp quan trọng.

Đối với các công ty chứng khoán trong nước, việc xây dựng một lộ trình cụ thể để cải thiện quy mô vốn, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cấp và đổi mới hệ thống công nghệ thông tin và thực hiện việc quản trị công ty theo thông lệ quốc tế được coi là những việc cần thiết để có thể cạnh tranh với các công ty chứng khoán nước ngoài.

Liên quan đến các loại hàng hoá cho thị trường này, nhiều chuyên gia cho rằng, nên khuyến khích các tập đoàn, công ty lớn phát hành trái phiếu doanh nghiệp và cải tiến các hình thức giao dịch trái phiếu để tăng tính thanh khoản của thị trường.

Ngoài ra, việc phổ cập và nâng cao kiến thức về thị trường chứng khoán cho công chúng và các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân cũng cần được tăng cường.

Theo TTXVN