Chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam giảm kỷ lục

(Dân trí) - Theo đánh giá của các doanh nghiệp châu Âu, chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam đã liên tục giảm mạnh từ đầu năm cho đến nay, và lần đầu tiên đã rớt xuống dưới mức trung bình trong quý III cũng như triển vọng bi quan về quý IV.

Chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam giảm kỷ lục
Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đã đưa ra 19 kiến nghị đối với Chính phủ Việt Nam trong cuốn Sách Trắng 2013.

Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ngày 30/11 công bố ấn bản Sách Trắng 2013 "Các vấn đề thương mại/đầu tư và kiến nghị", trong đó đưa ra những gợi ý cụ thể cho Chính phủ Việt nam về các cách thức cải thiện môi trường kinh doanh.

Sách Trắng 2013 đại diện cho tiếng nói của gần 800 doanh nghiệp châu Âu tại Việt nam, trong có nhiều doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới.

Tại đây, EuroCham dẫn kết quả cuộc khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý lần thứ 9 của tổ chức này thực hiện cho thấy, niềm tin và nhận định về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam của các doanh nghiệp châu Âu tiếp tục giảm sút. Theo đó, chỉ số đánh giá đã giảm xuống mức kỷ lục, chỉ còn 45 điểm.

"Chúng tôi hiểu rằng Chính phủ Việt Nam đã phải đương đầu với nhiều vấn đề quan trọng trong năm 2012, chẳng hạn như phải tiếp tục nỗ lực ngăn lạm phát chạm mức 2 con số. Tuy vậy, chúng tôi khuyến khích Chính phủ lưu tâm đến các kiến nghị chúng tôi nếu lên trong cuốn Sách Trắng 2013 này" - tổ chức này bày tỏ.

Lần đầu tiên Chỉ số môi trường kinh doanh giảm dưới mức trung bình.

Lần đầu tiên Chỉ số môi trường kinh doanh giảm dưới mức trung bình.

Đề cập đến vấn đề mua bán sáp nhập (M&A), EuroCham cho rằng, mặc dù khung pháp lý đã nhanh chóng được xây dựng, song lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn còn non trẻ và tương đối mới. Các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện M&A đối với các công ty trong nước có thể phải đối mặt với các rào cản về tiếp cận thị trường ở một số ngành.

Cụ thể, theo dự kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong vòng 10 năm tới, Việt Nam sẽ cần khoản đầu tư khoảng 150-160 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng để đạt được mức tăng trưởng mà Chính phủ đặt ra. Trong khi đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể chi trả khoảng 60% mức đầu tư cần thiết. EuroCham đánh giá, Quyết định 71 đã thu hút được sự quan tâm chú ý của khu vực tư nhân, nhưng với vai trò là một quy định toàn diện về PPP thì Quyết định này chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư.

Theo đó, Quyết định này không đưa ra một kế hoạch triển khai dự án cụ thể, được xác định trước về các dự án hấp dẫn và được ngân hàng cho vay vốn. Do vậy, mức độ hỗ trợ của Chính phủ và phần đóng góp của nhà nước, cũng như những hạng mục nào cấu thành phần đóng góp của nhà nước vẫn chưa được quy định rõ ràng.

Lần đầu tiên Chỉ số môi trường kinh doanh giảm dưới mức trung bình.

Phản ánh về lĩnh vực năng lượng, EuroCham cho biết, từ năm 2007 đến nay, tình trạng thiếu điện và cắt điện xảy ra thường xuyên, gây ra thiệt hại nặng nề cho các đơn vị kinh doanh. Trong khi đó, khả năng cung cấp các nguồn điện năng mới không kịp tiến độ.

Nguyên nhân chính theo EuroCham, không chỉ nằm ở việc thiếu vốn, mà còn do tệ quan liêu, giá nhiên liệu và các đầu vào khác gia tăng, các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư thiếu năng lực...

Dự kiến, đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần hơn 3 triệu tỷ đồng để phát triển hạ tầng kinh tế và kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn rất ngần ngại khi đầu tư vào các dự án hạ tầng của Việt Nam do quan ngại về hiệu quả đầu tư, tỷ lệ lợi nhuận và các đảm bảo thu hồi vốn. Theo tổ chức này, khi giá cả có thể bù đắp chi phí và không phải trợ giá cho điện và xăng dầu nữa thì các công ty có các công nghệ mới sẽ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Bích Diệp