1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 dự kiến tiếp tục âm

(Dân trí) - Người phát ngôn Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trong tháng 8, CPI dự kiến sẽ tiếp tục âm, cả năm tỉ lệ lạm phát không quá 7%. Lạm phát thấp và ổn định là điều kiện giúp hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trong dài hạn.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Nếu tính lạm phát lõi, CPI tháng 6 và tháng 7 vẫn dương (ảnh: B.D).
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Nếu tính lạm phát lõi, CPI tháng 6 và tháng 7 vẫn dương (ảnh: B.D).

Trao đổi với Dân trí trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay (31/7), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, những nhận định cho rằng nền kinh tế đã đi vào "suy giảm" và "giảm phát" là chưa thật chính xác.

Bộ trưởng phân tích, theo thông lệ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thường được thống kê theo quý. Khi xảy ra hiện tượng có 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp thì mới gọi nền kinh tế đã bắt đầu đi vào suy giảm. Tuy nhiên, trường hợp của Việt Nam, từ trước tới nay, tất cả các quý đều có tăng trưởng dương.

Điều đáng lưu ý, theo Bộ trưởng, so với nhiều nước trên thế giới, mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn đang ở mức khá cao (GDP quý I tăng 4%, GDP quý II tăng lên 4,66%). Mặc dù, trên thực tế, tốc độ tăng trưởng có thấp hơn so với thời gian trước và thấp hơn so các năm, nhưng điều đó không có nghĩa là suy giảm kinh tế - Bộ trưởng Đam nhìn nhận.

Tương tự, nói về khái niệm "giảm phát", Bộ trưởng thừa nhận, đúng là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm xuống mức âm từ tháng 6 (-0,26%) và tháng 7 (-0,29%) so với tháng trước đó. Song ở đây, Bộ trưởng lưu ý, nếu tính theo lạm phát lõi (khi đã loại bỏ hai nhóm mặt hàng lương thực và năng lượng khỏi rổ tính giá) thì CPI ở hai tháng vừa qua vẫn ở mức dương.

Bộ trưởng nói thêm, theo nhiều dự kiến, tính chung (có nhóm năng lượng và lương thực trong rổ tính giá) thì CPI tháng 8 vẫn âm. Nếu từ nay đến cuối năm không có thêm những biện pháp điều hành đặc biệt thì lạm phát nhiều khả năng không quá 7%.

"Điều này so với nền kinh tế Việt Nam, chúng ta phải cân nhắc để đảm bảo vừa kiềm được lạm phát lại vừa ổn định được kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý. Nhưng chúng ta không nên quên rằng, đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển, lạm phát ở mức 7% cũng đã là rất cao." - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó, người phát ngôn của Chính phủ cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp về lâu dài, trước hết, kinh tế vĩ mô phải ổn định. Theo đó, ở một nền kinh tế mà nguồn vốn chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng như Việt Nam thì phương án trợ giúp doanh nghiệp tốt nhất là ngân hàng đủ nguồn vốn dồi dào cho vay và đặc biệt phải duy trì được mức lãi suất thấp và ổn định. Muốn đảm bảo lãi suất thực dương cho huy động vốn thì lạm phát phải thấp. 

Vì vậy, nếu điều hành năm nay, lạm phát được giữ ở mức khoảng 7% thì những năm tiếp theo phải tiếp tục giảm tỉ lệ lạm phát xuống thấp hơn nữa - theo Bộ trưởng, như vậy mới là ổn định vĩ mô lâu dài và cũng là đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi mà doanh nghiệp và nhân dân trông đợi ở Chính phủ.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm