Chỉ gia hạn thuế VAT hàng nội địa

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết chỉ những hàng hóa sản xuất trong nước mới được gia hạn thuế giá trị gia tăng (VAT), còn hàng tiêu dùng nhập khẩu sẽ không được hưởng chính sách này.

Chỉ gia hạn thuế VAT hàng nội địa
Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực da giày thuộc diện được gia hạn thuế VAT.

 

Trao đổi với PV, ông Tuấn cho biết dự kiến sang tuần sau Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện nghị quyết 13 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, trong đó có hai nội dung quan trọng là gia hạn thuế VAT tháng 4, 5 và 6 cũng như giảm tiền sử dụng đất...

 

Doanh nghiệp chỉ kê khai, chưa phải nộp

 

Về việc giảm 30% thuế thu nhập DN, miễn thuế VAT đối với các hộ trông trẻ, cho thuê nhà trọ, cung cấp suất ăn ca cho công nhân..., theo ông Tuấn, Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp diễn ra trong tháng 5 này.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm đối với hàng nhập khẩu, những máy móc thiết bị, nguyên vật liệu cũng sẽ chưa phải nộp thuế VAT để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Nhưng hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu vẫn phải nộp bình thường.

 

Trừ các DN trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng..., các DN nhỏ và vừa, có số lao động dưới 300 người và có tổng nguồn vốn dưới 100 tỉ đồng tùy theo lĩnh vực sẽ được gia hạn thuế VAT. Bên cạnh đó, các DN sử dụng trên 300 lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội cũng được hưởng chính sách này.

 

Về thủ tục gia hạn, ông Nguyễn Văn Phụng, phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho hay DN chỉ kê khai tiền thuế VAT như trước đây nhưng tiền chưa phải nộp ngay. Và đương nhiên DN đã được gia hạn thì không bị phạt chậm nộp thuế.

 

Đồng thời DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động và DN sản xuất sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất, vận tải đường thủy, sản xuất thép, ximăng cũng được gia hạn nộp trong chín tháng tiền thuế thu nhập DN từ năm 2011 trở về trước. Ông Tuấn giải thích đây là tiền nợ đọng thuế, nếu theo quy định, DN chậm nộp sẽ bị phạt. Nhưng góp phần hỗ trợ DN, Chính phủ cho chậm nộp số tiền nợ đọng. Trong tháng này, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn chi tiết để giúp DN yên tâm sản xuất kinh doanh.

 

Giảm gần 2.000 tỉ đồng tiền thuê đất

 

Bộ Tài chính cũng sẽ hướng dẫn việc giảm 50% tiền sử dụng đất năm 2011 và 2012 cho DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Ông Tuấn nhấn mạnh chỉ những DN đang được Nhà nước cho thuê đất mà năm 2012 phải xác định đơn giá thuê đất mới được giảm 50% tiền sử dụng đất. Ước tính ngân sách giảm thu từ việc này gần 2.000 tỉ đồng trong năm nay.

 

Để được giảm tiền thuê đất thì DN phải đáp ứng đủ ba điều kiện: thứ nhất, đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp; thứ hai, sử dụng đất thuê đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật đất đai; thứ ba, số tiền thuê đất xác định lại theo quy định tại nghị định số 121 năm 2010 lớn hơn 2 lần so với tiền thuê đất phải nộp năm 2011 sau khi đã trừ ưu đãi về giảm tiền thuê đất (nếu có).

 

Bên cạnh đó, Nhà nước gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính. Theo Bộ Tài chính, hầu hết chính sách này chủ yếu giải quyết cho các dự án bất động sản. Có dự án bất động sản nợ hàng ngàn tỉ đồng tiền sử dụng đất do không bán được nhà, đất. Để được gia hạn, các DN thuộc đối tượng đang nợ tiền sử dụng đất làm đơn kèm các hồ sơ gửi cục thuế. Cục thuế xem xét hồ sơ và bàn với sở tài chính để trình UBND cấp tỉnh xem xét. Sau khi có quyết định của UBND tỉnh, cục thuế sẽ ra thông báo với DN.

 

Đại diện Bộ Tài chính cho biết vì tiền sử dụng đất là thuộc ngân sách địa phương nên UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, quyết định thời gian gia hạn cụ thể cho từng dự án, nhóm dự án sau khi báo cáo thường trực hsội đồng nhân dân cùng cấp. Tỉnh sẽ cân đối khả năng ngân sách của tỉnh để gia hạn cho các dự án 3, 6, 9 hay 12 tháng...

 

Theo Lê Thanh

Tuổi trẻ