Hộ khẩu Hà Nội mới được mua nhà nội đô: Đề xuất vi hiến, sáng kiến giật lùi

(Dân trí) - Đề xuất chỉ bán nhà cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội cho người có hộ khẩu tại quận, phường có dự án được đánh giá là không khả thi, vi hiến...

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường không đồng tình với đề xuất bán nhà nội đô cho người có hộ khẩu Hà Nội.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường không đồng tình với đề xuất bán nhà nội đô cho người có hộ khẩu Hà Nội.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội mới đây đã công bố báo cáo giám sát 5 năm thực hiện Luật Thủ đô. Theo báo cáo giám sát này, quy hoạch đề ra nhiệm vụ hạn chế sự gia tăng dân số cơ học trong khu vực nội đô lịch sử, nhưng qua giám sát cho thấy, tổng dân số trung bình của 4 quận này vẫn tăng đều qua các năm.

Nếu năm 2013, tổng dân số của 4 quận nội đô lịch sử (bao gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng) là 966.806 người; thì đến năm 2017, con số này lên tới 1,13 triệu người.

Theo đề xuất của ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thì chỉ bán, cho thuê nhà cao tầng nội đô cho người có hộ khẩu thường trú tại phường, quận có dự án để hạn chế tăng dân số cơ học vào nội đô.

Trao đổi với Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường không đồng tình với đề xuất này.

GS. Đặng Hùng Võ cho biết: Vào thời kỳ đầu những năm 2000, Hà Nội cũng đã từng dùng chính sách lấy hộ khẩu để cho phép mua nhà. Thời điểm đó, chính tôi phát biểu việc này là vi phạm hiến pháp thì Hà Nội và một số thành phố khác đã thay đổi. Theo đó, không còn đưa ra điều kiện gì cho việc mua nhà của người dân nữa.

Hiến pháp đã khẳng định quyền tự do cứ trú của người dân. Như vậy đề xuất này mà thành hiện thực là vi hiến, sáng kiến giật lùi.

Bên cạnh đó, Luật Cư trú đã đưa ra lấy ý kiến việc không còn quản lý bằng số hộ khẩu mà bằng mã số định danh. Đây là xu hướng tiến bộ.

Vậy theo ông nên có giải pháp như thế nào để hạn chế việc gia tăng dân số cơ học trong khu vực nội đô lịch sử?

Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới là dùng thuế để tác động, ở đây là thuế đất phi nông nghiệp. Nếu sắc thuế mà nhân với giá trị đất ở nội đô thì sẽ ra con số rất lớn bởi khu nội đô giá trị bất động sản cực kì cao. Nếu người dân cảm thấy thu nhập không phù hợp với mức thuế thì sẽ tự tìm cách di cư đến những nơi phù hợp, những người đang có ý định vào nội đô sẽ phải cân nhắc khi thu nhập không tương xứng.

Hiện sắc thuế bất động sản của chúng ta còn thấp, chưa kể bảng giá đất cũng thấp hơn nhiều so với giá trị thị trường. Tiến tới cần nâng bảng giá đất tương ứng với giá thị trường thì những người muốn vào nội đô sẽ phải cân nhắc.

Phải nói thêm, di cư của Việt Nam khác với thế giới. Thông thường, ai có sức làm việc thu nhập ở đâu thì tìm nơi sống phù hợp, di cư có chọn lọc. Còn như ta hiện nay, ai về Hà Nội cũng vẫn sống được hết.

Vậy còn giải pháp hạn chế nhà cao tầng trong các quận nội đô?

Đây là giải pháp hợp lý, cần được làm triệt để. Đối với các quận nội đô vẫn nên giữ nguyên như ngày xưa. Đừng dán vào chúng mác Hà Nội mới. Cần có quy định cụ thể từng khu vực được xây dựng công trình cao tầng với số tầng và chiều cao tối đa là bao nhiêu, điều kiện xây dựng ra sao...

Cũng đừng đưa ra những lý thuyết xây dựng kiểu đô thị nén vào các khu vực nội đô lịch sử. Ai muốn xây nhà cao tầng, chọc trời thì có thể lui ra phía Tây Hà Nội…. Đừng nghĩ chỉ ở Việt Nam, một thành phố tráng lệ như Paris của Pháp họ cũng làm vậy. Họ vẫn bảo tồn được một Paris như cách đầy vài trăm năm.

Bên cạnh đó, cần có các giải pháp đẩy nhanh việc di dời các cơ sở sản xuất, trường đại học, bệnh viện, một số cơ quan ra khỏi khu vực nội thành theo quy hoạch chung đã được phê duyệt.

Quan điểm của tôi là phải đẩy mạnh di dời ra 5 thành phố vệ tinh đã quy hoạch (gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn).

Mà không chỉ cơ quan trường học, bệnh viện lớn mà các khu vui chơi gải trị lớn, tụ điểm đông người đều cần đưa ra các thành phố vệ tinh.

Báo cáo giám sát của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng chỉ ra rằng nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng ở nội đô, khiến dân số khu vực này không những không giảm mà tiếp tục tăng. Cũng theo báo cáo giám sát này, dân cư Hà Nội đã hoàn toàn "vỡ quy hoạch", khi đến 2017 đã là 9,6 triệu người và đến 2020 có thể đạt gần 10,5 triệu người, gần bằng con số dự báo đến 2050. Ông có nhận xét về câu chuyện làm “quy hoạch” ở Hà Nội?

Một điểm quan trọng nữa cần nói tới, đó là các nước sau khi phê duyệt quy hoạch rồi thì hạn chế tối đa việc điều chỉnh, thậm chí không cho phép điều chỉnh. Trong khi đó, ở Việt Nam thì nhiều đô thị lớn vẫn dễ dàng điều chỉnh quy hoạch.

Hà Nội khẳng định sẽ không trở thành thành phố cực lớn, trong khi 5 đô thị vệ tinh vẫn chỏng chơ. Câu chuyện không tương xứng nằm ở việc quá dễ dàng trong điều chỉnh quy hoạch, phương thức thực thi giao cho tư nhân đề xuất.

Mỗi lần đề xuất điều chỉnh thì đều đưa ra vô số lý do, đa phần tôi cho rằng đó là những nguỵ biện thôi. Bản quy hoạch đầu tiên đưa ra đều được xem xét kỹ lưỡng. Quy hoạch Hà Nội theo tôi được biết do nhóm các nhà quy hoạch chuyên nghiệp từ Hàn Quốc, Mỹ làm. Chính quy hoạch đó đưa ra 5 thành phố vệ tinh, lấy cây xanh mặt nước làm điểm nhấn. Trong khi giờ thì sao, 5 thành phố vệ tinh vẫn vậy, mặt nước thì ô nhiễm, cây xanh thì chặt vô số.

Do vậy, tôi cho rằng tiến tới pháp luật phải làm được 2 điều: thứ nhất phải hạn chế cao nhất việc điều chỉnh quy hoạch; thứ 2 là đấu thầu việc thực hiện quy hoạch.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Nguyễn Khánh

Hộ khẩu Hà Nội mới được mua nhà nội đô: Đề xuất vi hiến, sáng kiến giật lùi - 2