Chi 8 tỷ đồng mua “đèn thần của Aladdin” xong mới tá hoả biết bị lừa

Hương Vũ

(Dân trí) - Bác sĩ Laeek Khan đã báo cảnh sát sau khi mua chiếc “đèn thần của Aladdin” với giá 335.000 USD (khoảng 7,7 tỷ đồng) từ hai kẻ lừa đảo, thậm chí một người còn giả mạo là thần đèn.

Chi 8 tỷ đồng mua “đèn thần của Aladdin” xong mới tá hoả biết bị lừa - 1
Chiếc “đèn thần của Aladdin” có giá gần 8 tỷ đồng của bác sĩ Khan. Ảnh: Getty

Mới đây, 2 người đàn ông Ấn Độ đã bị cảnh sát bắt giữ khẩn cấp vì tội lừa đảo một bác sĩ mua “đèn thần của Aladdin” với số tiền gần 8 tỷ đồng. Tin rằng mua chiếc đèn thần này sẽ giúp ông biến mọi điều ước thành hiện thực như trong truyện cổ tích “Aladin và cây đèn thần”.

Cụ thể, ông Laeek Khan, một bác sĩ ở thành phố Meerut (Ấn Độ), lần đầu tiên gặp kẻ lừa đảo vào năm 2018, khi đến thăm nhà một bệnh nhân có tên Sameena để băng bó vết thương hậu phẫu thuật.

Một ngày nọ, khi đang ở nhà của Sameena, bác sĩ này đã gặp một ‘tantrik’ (pháp sư) - tự nhận có thể biến Laeek Khan thành tỷ phú. Vị “pháp sư” có tên là Islamuddin, ngay sau đó đã giới thiệu bác sĩ với đối tác của mình, Anees, và đề nghị bán cho Laeek một thứ mang tên Aladdin Ka Chirag (Đèn Aladdin) có điều ước trong đời thực.

Khi Khan hỏi liệu có thể chạm vào thần đèn hay mang chiếc đèn về nhà hay không, những người này từ chối và nói điều đó có thể gây hại cho anh. Hai kẻ lừa đảo sau đó bán “đèn thần của Aladdin” cho Khan và khẳng định món đồ sẽ mang lại cho bác sĩ này sức khỏe, sự giàu có và may mắn.

Tuy nhiên, ngay sau phát hiện chiếc đèn không có bất cứ sức mạnh ma thuật nào, bác sĩ Laeek Khan tới trình báo cảnh sát bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, sĩ quan Amit Rai ngày 1/11 cho biết.

“Vụ gian lận đạt tới thỏa thuận trị giá cao hơn, bác sĩ (Khan) trả một khoản tiền khổng lồ cho chiếc đèn giả mạo”, viên cảnh sát Rai cho biết hai kẻ lừa đảo bị bắt giữ vào hôm 29/10. “Vợ của một trong hai người này cũng tham gia vụ lừa đảo và đang bỏ trốn”.

Sau nhiều cuộc điều tra, sĩ quan Rai cho biết: “Những người đàn ông này cũng lừa nhiều gia đình khác theo cách tương tự. Tổng số tiền liên quan đến vụ lừa đảo lên đến vài triệu rupee”.