Vật liệu xây dựng điêu đứng:
“Chết” vì mạnh ai nấy làm
Tồn kho chất đống, lỗ lã dẫn đến ngưng hoạt động là hậu quả tất yếu của việc buông lỏng quản lý, cấp phép tràn lan.
Thừa công suất quá lớn, đầu ra hạn chế, không có khả năng trả nợ vốn vay… nên nhiều doanh nghiệp (DN) ngành xi măng, thép phải hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hoạt động.
Quá dư thừa
Ông Nguyễn Tự Thanh, Phó Phòng Kế hoạch Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), cho biết trong quý I/2013, sản xuất xi măng toàn ngành tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, các nhà máy chạy 70-75% công suất thiết kế mà đã dư 20-25 triệu tấn. Các nhà máy trực thuộc Vicem vẫn hoạt động 90% công suất nhưng nghiền ra xi măng chỉ đạt 75%, tức là chỉ đạt hiệu quả tối thiểu, đủ cầm cự để không bị lỗ.
Cạnh tranh hiện nay rất quyết liệt, bắt buộc phải tìm hướng xuất khẩu nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế vì như vậy là đem tài nguyên đi bán. Quý I/2013, Vicem xuất khẩu hơn 1 triệu tấn clinker sang châu Phi, lợi nhuận vừa đủ bù đắp chi phí vận tải nên không có lãi. Theo ông Thanh, xuất khẩu chỉ là giải pháp để cầm cự qua thời kỳ khó khăn, không phải hướng phát triển.
Theo tính toán của Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, nhu cầu xi măng nội địa trong 3 năm 2011-2013 ước giảm 14-15 triệu tấn so với dự báo đưa ra trong quy hoạch phát triển xi măng giai đoạn 2011-2013 và định hướng đến năm 2030. Đến năm 2015, nhu cầu xi măng nội địa có thể chỉ khoảng 60-70 triệu tấn, trong khi sản lượng được dự báo lên đến 70-75 triệu tấn. Do đó, nếu tiếp tục đầu tư theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg thì đến năm 2015, tổng công suất các nhà máy xi măng sẽ đạt khoảng 94,24 triệu tấn, thừa khoảng 25 triệu tấn và đến năm 2020 sẽ thừa trên 40 triệu tấn.
Đối với ngành thép, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến cuối tháng 4-2013, lượng thép tồn kho tại các nhà máy khoảng 300.000 tấn (mức cao nhất năm 2012 là 450.000 tấn). Hiện nhu cầu tiêu thụ sắt thép trong nước chỉ khoảng 5 triệu tấn/năm nhưng nguồn cung từ các nhà máy lên đến 11 triệu tấn/năm. Lượng thép nhập khẩu vẫn tăng nhẹ. Ước tính nhập siêu sắt thép và nguyên liệu các loại đến hết tháng 4-2013 lên đến 2 tỉ USD (trong khi đó xuất khẩu chỉ khoảng 500 triệu USD).
Khó tránh phá sản
Trong bối cảnh cung vượt xa cầu, sản xuất dư thừa nhưng vẫn phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nhiều dự án nhà máy thép vẫn được cấp phép xây dựng hoặc đã hoàn thành, đi vào sản xuất. Sản phẩm thép trong nước sản xuất chủ yếu chỉ là các loại thép thông dụng, nhiều mặt hàng thép nguyên liệu (thép cuộn cán nóng) Việt Nam chưa sản xuất được hoặc không có đủ (sắt thép phế liệu) nên phải nhập khẩu. Theo VSA, phải đến năm 2015, Việt Nam mới có thể sản xuất được thép cuộn cán nóng nhưng số lượng không đáng kể. Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu, cho ra sản phẩm kém chất lượng.
Theo ông Đinh Huy Tam, Tổng Thư ký VSA, tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nay, chênh lệch giữa nhu cầu và năng lực sản xuất của DN ngày càng lớn. Đây là hậu quả của việc buông lỏng quản lý một thời gian dài, cấp phép dự án thép tràn lan.
Tương tự, vài năm trở lại đây, hàng loạt dự án xi măng ồ ạt ra đời với tốc độ phi mã. Phong trào đầu tư dự án xi măng “nóng” đến mức nhiều tỉnh, thành “chạy đua” để lập dự án nhà máy xi măng. Nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng tham gia vào lĩnh vực này. Hầu hết DN ngành xi măng đều sử dụng nguồn vốn vay, trong đó có những DN vay đến hơn 80% tổng vốn đầu tư. Một số DN sử dụng nguồn vốn vay trong nước, có thời điểm lên đến 19-21,5%.
Nhiều dự án xi măng mặc dù không có đủ 20% vốn tự có theo quy định vẫn được duyệt và bảo lãnh vay vốn hiện đang trong tình trạng mất khả năng trả nợ. Trong khi đó, thị trường bất động sản đóng băng từ vài năm nay, sức mua giảm sút, ảnh hưởng không nhỏ tới ngành xi măng. Các chi phí đầu vào như vốn vay, xăng, điện, vỏ bao, than… tăng càng thêm áp lực cho DN ngành này.
Nhiều công ty xi măng mới, nhất là các công ty nhỏ phải đua nhau giảm giá bán vì sức mua thấp, thiếu kinh nghiệm thâm nhập thị trường và vấp phải rào cản thương hiệu. Đã xuất hiện tình trạng phá giá, bán dưới giá vốn để giải phóng hàng tồn kho. Hậu quả là DN lỗ ngày càng nhiều, khó tránh phá sản.
Cần quy hoạch lại
Mới đây, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng đề nghị chỉ đạo rà soát, cắt bỏ, điều chỉnh lại danh mục dự án trong quy hoạch phát triển ngành xi măng cho phù hợp tình hình thị trường. Theo đó, ngoài 9 dự án chuẩn bị đầu tư (giai đoạn 2016-2030) bị kiến nghị đưa ra khỏi quy hoạch, còn có 6 dự án khác đã được cấp phép cũng bị kiến nghị rút giấy phép do năng lực chủ đầu tư yếu kém. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý đưa 9 dự án xi măng quy mô công suất dưới 2.500 tấn clinker/ngày ra khỏi quy hoạch phát triển ngành xi măng. |
Theo Thanh Nhân – Tô Hà
NLĐ