“Cháy” hàng mã trước tết ông Công ông Táo

Dù đã có yêu cầu hạn chế sử dụng vàng mã, nhưng trước tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), nhiều ngôi làng, góc phố trên khắp cả nước không khí sắm đồ hàng mã vẫn rất nhộn nhịp.

Hàng bình dân lên ngôi

Khác hẳn với không khí nhộn nhịp, hào nhoáng trên các tuyến phố chuyên cung cấp hàng mã ở Hà Nội, tại nhiều vùng quê, người dân vẫn quen với sự lựa chọn mặt hàng thủ công, phổ thông, giá rẻ.


Người bán hàng trên phố Hàng Mã giới thiệu bộ trang phục thần linh được trang trí công phu. ảnh: L.H.T

Người bán hàng trên phố Hàng Mã giới thiệu bộ trang phục thần linh được trang trí công phu. ảnh: L.H.T

Bà Nguyễn Thị Phong, bán hàng mã ở Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa cho hay: “Ngay từ đầu tháng Chạp, tôi đã nhận bán buôn, bán lẻ các sản phẩm hàng mã, cá chép để cúng ông Công ông Táo. Mua vào thì chỉ với giá 5.000 đồng/bộ, nhưng bán ra thì được 10.000 đồng/bộ. Tính ra, từ đầu tháng tới giờ tôi cũng bán được gần 300 bộ rồi đấy”.

"Giá các mặt hàng mã tăng tùy loại từ 25.000 - 400.000 đồng. Trừ chi phí lấy hàng, mỗi bộ ông Công ông Táo người bán lãi 10.000 – 30.000 đồng/bộ, tùy theo bộ đắt, rẻ” - Chị Nguyễn Thị Thu, bán hàng rong (phố An Trạch, Đống Đa, Hà Nội)

Nhanh tay chọn hai bộ mũ mão ông Công ông Táo, chị Lê Thị Loan (Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nói: “Rút kinh nghiệm các năm trước mất hàng trăm nghìn mua hàng mã đốt, năm nay mình chỉ mua một, hai bộ tượng trưng, tránh lãng phí, ô nhiễm môi trường. Gần đây ý thức người dân thay đổi nhiều nên bà con cũng hạn chế đốt vàng mã hơn các năm trước rồi”. Điều đặc biệt là hầu hết hàng mã ông Công ông Táo là hàng Việt Nam.

Đại Đức Thích Thanh Tuấn – trụ trì chùa Linh Ứng (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: “Nhờ sự thay đổi ý thức của người dân mà những năm gần đây, tình trạng đốt vàng mã đã được hạn chế. Nhờ vậy, môi trường bớt ô nhiễm, tránh lãng phí”.

Nhiều hàng cho khách VIP

Đến hẹn lại lên, thời điểm này tại nhiều làng nghề hàng mã, trong đó có làng Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) đang tấp nập bán buôn. Anh Nguyễn Văn Quang (làng Song Hồ) cho biết: “Những ngày này hàng hóa bán rất chạy, có nhiều hết nhiều, có ít hết ít. Như nhà tôi dù thuê 20 công nhân làm nghề vẫn không đủ bán”.  Theo ghi nhân, hầu hết những con đường trong làng đều tắc đường bởi có quá nhiều phương tiện vào chở hàng.

Chị Đinh Thị Phương, một chủ đại lý chuyên gom bán hàng mã tại đây cho biết: “Thị trường mã ông Công ông Táo năm nay vẫn rất sôi động, đa dạng về mẫu mã và giá cả. Thường thì một bộ phổ thông  khoảng 10.000 - 13.000 đồng, còn bộ óng ánh dành cho khách VIP từ 130.000 - 150.000 đồng”.  Với tâm lý trần sao âm vậy, thị trường hàng mã dịp ông Công ông Táo cũng có đầy đủ mặt hàng, từ nhà cửa, ngựa, xe, tới mũ mão, quần áo…

Tại Hà Nội dù đang trong đợt rét đậm, rét hại nhưng không khí mua sắm chuẩn bị tết ông Công ông Táo, Tết Nguyên đán đã bắt đầu nóng. Theo bà Ngô Nguyệt Nga - chủ cửa hàng ở 64 Hàng Mã, Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết,  mặt hàng nến vàng, tiền vàng được làm phong phú, đa dạng về mẫu mã và chủng loại, giá cả bình ổn. Năm nay, gia đình bà nhập thêm những bộ ông Công ông Táo được làm bằng chất liệu giấy bóng với hoa văn rõ nét, cách trang trí tinh xảo.

Gần chục năm buôn bán hàng mã phục vụ ngày tết ông Công ông Táo trên tuyến phố An Trạch (Đống Đa, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thu cho biết, loại hàng mã chuẩn bị cho lễ tết bắt đầu nhộn nhịp ngay từ đầu tháng. Tuy nhiên, tấp nập, chạy hàng nhất trong khoảng thời gian hơn chục ngày (từ mùng 10 đến 23 tháng Chạp).

Theo Minh Nguyệt - Mỵ Lương
Dân Việt 

“Cháy” hàng mã trước tết ông Công ông Táo - 2