1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chạy đua sản xuất... bia!

Năm 2003, công suất bia của cả nước đạt 1,29 tỷ lít, đến năm 2004 đã vượt lên 1,37 tỷ lít. Dự kiến năm 2005 sản lượng bia của cả nước vượt xa mức 1,5 tỷ lít. Thế nhưng, hàng loạt dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng nhà máy bia vẫn đang triển khai. Một cuộc cạnh tranh khốc liệt giành thị phần giữa các doanh nghiệp lại bắt đầu.

Đua nhau nâng công suất

Công ty Bia Huế có kế hoạch nâng công suất lên 100 triệu lít/năm, và công ty bia này còn hợp tác với Nhà máy Bia Đông Hà (Quảng Trị) nâng công suất lên 30 triệu lít/năm. Tại Nghệ An, một dự án sản xuất bia với công suất trên 100 triệu lít/năm cũng đã đi vào hoạt động.

Tổng Công ty Rượu Bia và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng đã đạt sản lượng hơn 403 triệu lít/năm, trong đó, có 268 triệu lít được sản xuất tại Sabeco, số còn lại gia công từ 10 nhà máy địa phương.

Với phương thức gia công này, Sabeco đã tăng nhanh được năng lực sản xuất mà không phải bỏ vốn đầu tư so với các nhà máy bia khác.

Bộ Công nghiệp cho biết, tuy mới hết quý 1 năm 2005 nhưng công suất các nhà máy sản xuất bia trong nước đã đạt tới gần 1,5 tỷ lít/năm. Riêng 10 tỉnh miền Trung trên 500 triệu lít/năm.  

Ông Nguyễn Bá Thi, Chủ tịch HĐQT của Sabeco cho biết, sẽ tiếp tục nâng công suất Nhà máy Bia Cần Thơ từ 15 triệu lít lên 50 triệu lít/năm, Sài Gòn-Phú Yên từ 15 triệu lít lên 50 triệu lít/năm. Bia Hà Tĩnh cũng nâng công suất từ 15 triệu lên 30 triệu lít/năm.

Nhà máy Bia Củ Chi thì đầu tư mới từ 100 triệu lít/năm lên 200 triệu lít/năm. Sabeco còn dự kiến đầu tư Nhà máy Bia Bạc Liêu 15 triệu lít/năm và Nhà máy Bia Quảng Nam có công suất 50 triệu lít/năm.

Tổng Công ty Rượu-Bia-Nước giải khát Hà Nội cũng đang khẩn trương đầu tư một dự án sản xuất bia tại xã Quang Minh (Vĩnh Phúc), công suất 100 triệu lít/năm. Cộng với việc đầu tư tăng công suất của các nhà máy bia hiện có, tổng công suất của bia Habeco sẽ đạt 200 triệu lít/năm.

Công ty này cũng đang có ý định mở rộng Nhà máy Bia Thanh Hóa, tiếp nhận bia Hải Dương và Quảng Bình làm công ty con và đầu tư để nâng công suất 2 nhà máy bia này...

Và mới đây, Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk) cũng chính thức thông báo sẽ đầu tư gần 300 tỷ đồng để xây dựng nhà máy bia.

Bà Hoàng Yến - Giám đốc Công ty Bia Hải Phòng cho rằng, việc các DN trong nước đua nhau nâng công suất các nhà máy bia, chứng tỏ nhu cầu tiêu dùng bia của người dân VN ngày càng tăng, nhưng các DN đang đứng trước thách thức cạnh tranh rất lớn và tự mình đang làm khổ mình.

Nhưng nguy cơ lớn nhất của việc đầu tư nhà máy bia không phải là khó khăn cạnh tranh, mà là “vấn đề sống còn”. Nhiều địa phương đầu tư nhà máy bia chỉ nhằm tăng thu ngân sách. Có lẽ các địa phương thấy tổng mức nộp ngân sách của Habeco và Sabeco mỗi năm vào khoảng gần 1.000 tỷ đồng là một khoản lợi rất hấp dẫn.

Do vậy, trong những năm qua đã có hàng chục nhà máy bia địa phương được đầu tư để rồi thua lỗ vì không chen chân tìm được chỗ đứng trên thị trường khiến hàng tỷ đồng vốn bị lãng phí, cuối cùng thì Tổng Công ty Rượu-Bia-Nước giải khát VN đã phải ngậm ngùi khắc phục bằng cách nhận tới 5-7 DN thua lỗ vào làm thành viên...

Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng nhập cuộc

Tham gia cuộc chạy đua đầu tư bia với các DN trong nước, còn có các DN nước ngoài.

Ngoài việc Công ty Bia VN chuyển nhượng 8,5% cổ phần cho Tập đoàn giải khát Thái Bình Dương (Asia Pacific Breweries-APBB) thành DN 100% vốn nước ngoài chuyên sản xuất bia Tiger và Heineken thì mới đây Công ty Bia Đan Mạch Carlsberg đã mua thêm 25% cổ phần trong Nhà máy bia Đông Nam á - Halida và 15% cổ phần của Nhà máy Bia Huế (Huda) với tổng vốn 14 triệu USD.

Tổng số cổ phần của Carlsberg tại Nhà máy Bia Đông Nam Á đã tăng lên 60% (40% thuộc Nhà máy Bia Việt-Hà) và trong Nhà máy Bia Huế là 50% (50% còn lại thuộc về chính quyền địa phương).

Sự xuất hiện của các thương hiệu bia nước ngoài nổi tiếng đang khiến cuộc đua giành giật thị phần của các hãng bia khốc liệt hơn.

Theo SGGP