Châu Phi là chiến trường lớn tiếp theo thương chiến Mỹ-Trung?

(Dân trí) - Để đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với lục địa đen, Mỹ vừa công bố kế hoạch tăng thêm đầu tư vào châu Phi.

Châu Phi là chiến trường lớn tiếp theo thương chiến Mỹ-Trung? - 1

“Mỹ vừa báo hiệu rằng sẽ tập trung nhiều sức mạnh hơn ở châu Phi. Bước đi này được coi là để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trên lục địa đen này”, một giáo sư sử học đã lập luận.

Động thái này xảy ra khi Tổng thống Donald Trump đẩy mạnh cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Trung Quốc bằng cách chỉ định quốc gia này đang thao túng tiền tệ, trong một cuộc xung đột ngày càng leo thang ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu

Gerald Horne, giáo sư tại Đại học Houston, cho biết: “Vấn đề quan trọng nhất là ‘Chiến tranh Lạnh’ mới đang nổ ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.”

Châu Phi sẽ là một chiến trường lớn. Trung Quốc hiện đã vượt qua Mỹ và trở thành đối tác thương mại chính ở châu Phi - khiến chính quyền Trump phải cố gắng để giữ được chỗ đứng và vị thế tại lục địa đen này.

Trong hai thập kỷ qua, thương mại của Trung Quốc với châu Phi đã tăng gấp 40 lần, theo báo cáo.

Trung Quốc đã trở nên đặc biệt tích cực ở châu Phi, với một loạt các chuyến thăm cấp cao, đầu tư cơ sở hạ tầng và các cam kết lớn về vốn vay.

Siêu cường châu Á đã mở rộng đáng kể đường sắt tại châu Phi, đầu tư vào các dự án khác nhau ở Kenya, Ethiopia, Djibouti, Angola và Nigeria.

Hiện tại họ đang xây dựng một nhà máy thủy điện khổng lồ ở Ăng-gô-la và đã xây dựng tuyến đường sắt dài nhất châu Phi nối liền giữa Ethiopia và Djibouti.

Ngược lại, Mỹ đã giảm nỗ lực đầu tư để phát triển quan hệ kinh tế với châu Phi trong vài năm qua.

Do đó, thương mại giữa Mỹ và châu Phi đã giảm mạnh từ 120 tỷ đô la trong năm 2012 xuống còn 50 tỷ đô la vào năm 2019.

Một số học giả hiện coi Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược, cho rằng nước này đang tìm cách tham gia và độc quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng như dầu mỏ, khoáng sản, gỗ và làm suy yếu ảnh hưởng của phương Tây.

Hoa Kỳ đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc sử dụng “bẫy nợ” để giữ các quốc gia ở châu Phi phải thực hiện theo yêu cầu của họ.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, John Bolton đã chỉ trích Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) do nhà nước chỉ đạo.

Sáng kiến ​​của Chủ tịch Tập Cận Bình, công bố vào năm 2013, nhằm xây dựng một mạng lưới cơ sở hạ tầng kết nối Trung Quốc bằng đường bộ và đường biển đến Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi.

Dự án này hiện đã được xác nhận tham gia bởi 37 quốc gia châu Phi cho đến nay.

Châu Phi là chiến trường lớn tiếp theo thương chiến Mỹ-Trung? - 2
Tuyến đường sắt dài nhất châu Phi nối liền Ethiopia và Djibouti do Trung Quốc xây dựng

Bolton cũng chỉ ra rằng Nga cũng là một quốc gia khác ganh đua ảnh hưởng ở châu Phi - mặc dù Trung Quốc hiện tại là mối đe dọa lớn hơn.

“Các đối thủ cạnh tranh của Hoa Kỳ, cụ thể là Trung Quốc và Nga, đang nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng tài chính và chính trị trên khắp châu Phi”. Bolton nói

“Họ đang cố tình và tích cực nhắm mục tiêu đầu tư vào khu vực này để đạt được lợi thế cạnh tranh so với Hoa Kỳ”

Các quốc gia châu Phi cũng đã được cảnh báo để tránh “bẫy nợ” của Trung Quốc, điều này có thể khiến tính độc lập của các quốc gia châu Phi gặp nguy hiểm.

Bolton nói rằng “sự thiếu tiến bộ của nền kinh tế ở châu Phi đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho xung đột bạo lực và sự gia tăng của khủng bố”

Để đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với lục địa này, Mỹ đã công bố kế hoạch tăng đầu tư vào châu Phi vào tháng 6.

Các quan chức tiết lộ rằng Mỹ sẽ đầu tư 60 tỷ đô la vào các nước thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt tập trung vào châu Phi.

Trong khi đó, Bắc Kinh hiện đang xây dựng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn bằng cách thiết lập các liên kết quân sự lớn để bảo vệ các nhà đầu tư và tài sản của mình ở châu Phi.

Trung Quốc đã thành lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, ở vùng Sừng châu Phi, vào năm 2017.

Trung Quốc đã triển khai quân đội đến căn cứ, nhưng đồng thời cũng cam đoan rằng Trung Quốc không tìm cách kiểm soát quốc gia này

Quốc gia nhỏ bé này hiện nằm trên eo biển Bab el-Mandeb, một cửa ngõ của Kênh đào Suez, một trong những tuyến đường vận chuyển bận rộn nhất thế giới.

Djibouti cũng cung cấp một hải cảng chiến lược cho các nước láng giềng không giáp biển, thậm chí còn đang trở nên quan trọng hơn khi tuyến đường sắt giữa cả hai thủ đô Ethiopia và Djibouti đã hoàn thành.

Nhiều chuyên gia hiện dự đoán sẽ có thêm nhiều căn cứ của Trung Quốc trong những năm tới, với tin đồn Namibia là một địa điểm tiềm năng

Các chuyên gia tin rằng châu Phi chuẩn bị trở thành một chiến trường khác cho cuộc chiến thương mại leo thang giữa Bắc Kinh và Washington.

Trong hơn một năm, Mỹ và Trung Quốc đã bị khóa trong một cuộc xung đột ngày càng tăng với tuyên bố Bắc Kinh đánh cắp các bí mật trí tuệ và gây áp lực cho các công ty Hoa Kỳ để bắt buộc bàn giao công nghệ.

Niall Ferguson, một thành viên cao cấp tại Viện Hoover tại Đại học Stanford, lập luận rằng cuộc chiến thương mại đã leo thang thành “Chiến tranh Lạnh” mới.

Và đáng lo ngại, ông tin rằng “Trung Quốc là một quốc gia đáng gờm hơn Liên Xô, về cả mặt nhân khẩu học, kinh tế và công nghệ”.

Thị trường chứng khoán vừa sụt giảm trên toàn thế giới khi đồng tiền của Trung Quốc giao dịch ở mức hơn bảy nhân dân tệ trên một đô la lần đầu tiên kể từ năm 2008.

Sự sụt giảm giá trị của đồng nhân dân tệ xảy ra sau khi Trump đe dọa vào tuần trước sẽ đánh thuế 10% với 300 tỷ đô la hàng hóa còn lại của Trung Quốc.

Trump đã siết chặt Trung Quốc bằng các đợt thuế quan liên tiếp kể từ mùa hè năm ngoái và Trung Quốc đã đáp trả lại bằng nhiều động thái quyết liệt.

Tuy nhiên, Trung Quốc xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ hơn nhập khẩu, điều đó có nghĩa là bây giờ họ cần phải dùng đến các biện pháp trả đũa khác.

Thùy Dung

Theo The Sun