Chủ tịch ADB:

“Châu Á nên xem khủng hoảng là cơ hội để phát triển”

(Dân trí) - Khi châu Á bắt đầu phục hồi từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chính phủ các nước trong khu vực cần phải tìm cách mở rộng mạng lưới an sinh để có thể vừa bảo vệ được người nghèo, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda nhấn mạnh.

Sáng nay 28/9, Hội nghị “Tác động khủng hoảng của suy giảm kinh tế toàn cầu đến đói nghèo và phát triển bền vững tại châu Á và Thái Bình Dương” đã khai mạc tại Hà Nội. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự.
 
“Châu Á nên xem khủng hoảng là cơ hội để phát triển” - 1
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại hội nghị.
 
Hội nghị do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp tổ chức với Chính phủ Việt Nam, Trung Quốc và Ban Thư ký ASEAN. Đây là hội nghị chủ chốt đầu tiên nhằm thảo luận các tác động xã hội của cuộc khủng hoảng đến khu vực châu Á và Thái Bình Dương; thu hút hơn 350 đại biểu từ 28 quốc gia, 25 tổ chức phát triển và đại sứ quán, cùng 13 các tổ chức phi chính phủ tham dự.
 
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Để đối phó với suy thoái, nhiều nước đã áp dụng các gói kích cầu với các quy mô khác nhau nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội.
 
Mặc dù chúng ta đã đạt được những thành công nhất định, tốc độ tăng trưởng kinh tế bắt đầu hồi phục nhưng những nguy cơ tiềm ẩn của cuộc khủng hoảng kinh tế đòi hỏi các nước trong khu vực cần giải quyết những vấn đề cấp thiết như: tạo công ăn việc làm, tạo dựng nguồn tài chính bền vững cho y tế, giáo dục…
 
“Việt Nam có hơn 70% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; do vậy, phát triển nông thôn và đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo đối với chúng tôi là một trụ cột của chiến lược tăng trưởng và phát triển bền vững.
 
Trước những tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, chính phủ và nhân dân Việt Nam đã kịp thời thực hiện các nhóm giải pháp đồng bộ và phù hợp nên đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống tín dụng; kiểm soát được lạm phát, duy trì được tăng trưởng kinh tế 6,2% năm 2008 và khoảng 5% năm 2009…
 
Do đó, chúng tôi coi thách thức cũng là cơ hội để đề ra những biện pháp kích thích nền kinh tế sao cho nhóm người nghèo, người yếm thế là người được hưởng lợi chính”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Ủng hộ chủ trương của các nước trong khu vực châu Á, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda cho rằng: “Chính phủ các nước có thể sử dụng các gói kích thích khắc phục khủng hoảng không chỉ nhằm phục hồi kinh tế, mà còn áp dụng các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn và giảm thiểu khả năng dễ tổn thương”.
 
Cũng theo ông Kuroda, cuộc khủng hoảng cần phải được xem như một cơ hội để các nước áp dụng các biện pháp chủ động nhằm chuẩn bị cho phát triển toàn diện và bền vững về lâu dài. Bởi trong khi cuộc khủng hoảng làm giảm đi việc làm và thu nhập, thì người nghèo ở châu Á đã bị tác động một cách đặc biệt nặng nề, một phần vì thiếu mạng lưới an sinh xã hội phù hợp để giảm bớt tác động từ sự suy giảm trong các hoạt động kinh tế.
 
Nhiều chính phủ ở châu Á đã phản ứng nhanh chóng với cuộc khủng hoảng với rất nhiều gói kích thích tài chính, điển hình là chú trọng triển khai các công trình hạ tầng chủ chốt, miễn giảm thuế, khuyến khích công nghiệp và thương mại, cũng như các dự án hướng tới người nghèo. Về lâu dài, theo ông Kuroda, thách thức chủ yếu đối với các nước châu Á đang phát triển sẽ là tăng cường khả năng ứng phó với những “cú sốc” từ bên ngoài.
 
“Điều này có thể đạt được thông qua các chính sách hướng tới việc mở rộng hơn phạm vi, cũng như cấu trúc của sự mở cửa trong khu vực và tăng cường các hệ thống trong nước hỗ trợ phát triển con người. Các bước đi thực tiễn bao gồm tăng cường thương mại trong khu vực, quản lý toàn cầu hóa tài chính, tối đa hóa những lợi ích từ sự chuyển dịch lao động, đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội”, vị đại diện này nói.
 
Theo ước tính của ADB, nếu như tăng trưởng cao của châu Á không dừng lại trong năm qua, 60 triệu người đã có thể thoát khỏi mức nghèo với dưới mức 1,25 USD/ngày và 100 triệu người đã thoát khỏi mức cận nghèo với dưới mức 2 USD/ngày.
 
An Hạ