Châu Á cần nâng tầm trong hệ thống tiền tệ quốc tế
(Dân trí) - Tăng trưởng kinh tế nhanh và ảnh hưởng ngày càng tăng của châu Á đối với các vấn đề điều hành kinh tế toàn cầu, đồng nghĩa với việc khu vực này cần nâng tầm trong việc thu hẹp khoảng cách và khắc phục những yếu kém trong hệ thống tiền tệ quốc tế.
Quang cảnh tuổi tọa đàm (ảnh: Q.Đ)
Đây chính là thông điệp mà các diễn giả đưa ra tại buổi Tọa đàm chung cấp cao giữa ADB - IMF - đại diện Nhật Bản thuộc ASEAN+3 - Pháp với tư cách là Chủ tịch luân phiên Nhóm G20 về chủ đề “Cải cách Hệ thống Tiền tệ Quốc tế” được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thường niên Hội đồng Thống đốc lần thứ 44 của ADB tại Hà Nội.
Theo ông Haruhiko Kuroda, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB): “Châu Á phải đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trong các vấn đề kinh tế, tài chính toàn cầu và đóng vai trò tích cực hơn trong việc thiết kế một khuôn khổ đa phương hiệu quả nhằm tăng cường ổn định tiền tệ và tài chính toàn cầu”.
Cũng theo đánh giá từ ông Kuroda, Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai, cùng việc thành lập Phòng Nghiên cứu và Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 là những dấu hiệu cho thấy khu vực đang tiến hành những bước đi cụ thể nhằm xây dựng một kết cấu tài chính khu vực vững chắc hơn, góp phần ổn định tài chính khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, ông Kuroda cảnh báo những vấn đề cốt lõi trong hệ thống tiền tệ quốc tế, ví dụ như sự mất câng bằng tồn tại từ lâu trên phạm vi toàn cầu, những dòng vốn lớn và thường xuyên biến động, những áp lực từ tỷ giá hối đoái không phù hợp và sự gián đoạn trong cung cấp thanh khoản toàn cầu vào những thời điểm thị trường gặp suy thoái…phải được giải quyết thông qua những nỗ lực chung nếu như châu Á muốn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bền vững và toàn diện.
Bà Christine Lagarde, Bộ trưởng Tài chính Pháp cho hay: “Chúng ta cần một hệ thống toàn diện hơn, được tổ chức tốt hơn. Đó là một hệ thống đồng bộ hơn với nền kinh tế thực”. Theo bà Lagarde, rổ tiền tệ đằng sau “Quyền Rút vốn Đặc biệt” của IMF cần phải được bổ sung thêm nhằm đảm nhiệm tốt hơn vai trò đại diện cho nền kinh tế đa cực của thế giới.
Còn ông Pranab Mukherjee, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ thì nhấn mạnh tới sự cần thiết của các thị trường được điều tiết tốt trong việc đảm bảo tính ổn định của hệ thống tài chính. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, mỗi quốc gia cần được linh hoạt kiểm soát các dòng vốn tùy thuộc vào điều kiện riêng của từng nước. Ông Yoshihiko Noda, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản lại kêu gọi những thảo luận chi tiết hơn trong Nhóm G20 đối với vấn đề cải cách IMS cũng như xúc tiến các sửa đổi trong “Quyền Rút vốn Đặc biệt” của IMF.
Trong khi đó, đại diện của IMF, ông Shinohara cho biết: IMF đã thúc đẩy nghiên cứu hiện nay đối với một loạt các kinh nghiệm từ những thị trường đang nổi, đặc biệt là cách thức xử lý các vấn đề liên quan tới luồng vốn. Theo ông Shinohara, nghiên cứu toàn diện này đang tập trung vào các vấn đề về bên nhận và bên cấp vốn. “Việc định hình khung hướng dẫn các quốc gia quản lý những dòng vốn biến động vẫn đang trong tiến trình thực hiện”, ông nói.
An Hạ