Hà Tĩnh:
Chật vật vượt qua mưa bão, người nuôi tôm thắng lớn vì giá tăng cao
(Dân trí) - Sau những ngày vật lộn, gian nan bảo vệ các đầm tôm do ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 10 và đợt áp thấp nhiệt đới ngay sau đó, người nuôi tôm ở Hà Tĩnh đã bước vào vụ thu hoạch. Điều đáng mừng là giá tôm tăng cao so với đầu năm đã mang lại niềm vui lớn cho người nuôi.
Vụ tôm này, anh Nguyễn Bá Nghĩa, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thả 1 triệu con giống tại 5 ao nuôi với diện tích gần 1 ha. Khi cơn bão số 10 đang hoành hành ngoài biển đông, để vớt vát, anh Nghĩa buộc anh phải thu non mất gần 4 tấn. Số còn lại vì quá gấp, tôm lại còn chưa đạt kích cỡ nên anh chấp nhận cho... sống chung với bão.
Những ngày mưa bão anh sống trong thấp thỏm nỗi lo trắng tay, tuy nhiên, may mắn là các đầm tôm của anh đã sống sót.
Một tháng sau khi mưa bão số 10 đi qua, anh Nghĩa đã cho kéo lưới thu hoạch. Tổng cộng cơ sở của anh đã thu tiếp 14 tấn tôm thương phẩm, kích cỡ đạt bình quân từ 47 - 52 con/kg.
Nếu như vụ tôm này năm trước, cùng kích cỡ giá tôm chỉ bán được từ 140 - 150 nghìn đồng/kg, thì vụ nuôi này anh Nghĩa bán với giá hơn 190 nghìn/kg. Trừ hết chi phí, vụ tôm này anh Nghĩa có lãi trên 1,5 tỷ đồng sau 4 tháng thả nuôi.
Anh Trần Văn Công, một hộ nuôi tôm ở xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân cũng trải qua những ngày hết sức chật vật do mưa bão và thời tiết khá thất thường. Do lo ngại thời tiết lạnh ảnh hưởng đến sức khỏe tôm, mang lại nỗi lo về sản lượng, đặc biệt là giá tôm tăng cao, nên anh Công đã cho thu hoạch trước 15 ngày so dự kiến.
Tổng cộng với gần 4 tấn tôm thương phẩm có kích cỡ 60 - 70 con/kg, bán với giá hơn 130 nghìn đồng/kg, vụ tôm này cũng mang về lợi nhuận khá cao cho gia đình anh Công.
Theo ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh, sản lượng nuôi thu hoạch tôm trong tháng 10 của toàn tỉnh đạt 941 tấn, trong đó, nuôi ngọt đạt 504 tấn, nuôi mặn lợ đạt 437 tấn, nuôi tôm nước lợ đạt 195 tấn.
Điều đáng mừng, theo ông Hoàng, là giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng các loại tại ao nuôi hiện tăng mạnh, so với năm 2016 tăng cao hơn từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Cụ thể, hiện giá tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg có giá 100 - 117 nghìn đồng/kg, loại 60 con/kg giá 146 nghìn đồng/kg, loại 50 con/kg giá 190 nghìn đồng/kg. Còn tôm sú loại 40 con/kg, giá 180 nghìn đồng/kg, loại 30 con/kg có giá 200 - 230 nghìn đồng/kg.
Mức giá bán tăng mạnh nên giá trị sản xuất tôm toàn tỉnh trong tháng 10 đạt 663,2 tỷ đồng.
Con số trên dự kiến sẽ còn tăng mạnh, khi một số địa bàn có thâm niên, diện tích nuôi tôm lớn như Thạch Hải, Thạch Long (huyện Thạch Hà), Hộ Độ, Mai Phụ (huyện Lộc Hà), Xuân Phổ, Cương Gián (huyện Nghi Xuân) bước vào thu hoạch. Theo báo cáo, tại các địa bàn này hiện tôm đã đạt 120 -150 con/kg.
Theo ông Hoàng, sự thiếu hụt nguồn tôm nguyên liệu thế giới cùng với sự khởi sắc của thị trường xuất khẩu tôm là nguyên nhân khiến giá tôm thẻ chân trắng và tôm sú các loại tăng mạnh trong thời gian gần đây, giúp người nuôi tôm có lợi nhuận cao.
Thời gian tới, giá tôm nguyên liệu được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tập trung khai thác mở rộng thị trường sang Mỹ.
Dù giá tôm tăng cao, kéo theo niềm vui về lợi nhuận cho người nuôi, tuy nhiên, ông Hoàng khuyến cáo bà con nuôi tôm không nên ham giá cao, lợi nhuận lớn mà tiếp tục thả tôm giống đại trà trong những tháng cuối năm. Người nuôi tôm cần bám sát các hướng dẫn, khuyến cáo của chi cục để thả nuôi.
Lí do mà ông Hoàng đưa ra là trong thời gian này, nhiệt độ lạnh, độ mặn thấp, chất lượng giống nếu không đảm bảo… là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát triển, gây thiệt hại cho người nuôi.
Văn Dũng