"Chật vật" vì tỷ giá USD/VND tăng cao

(Dân trí) - Giá USD tự do tăng lên 17.400 VND khiến một số doanh nghiệp nhập khẩu lo ngại ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và giá thành đầu ra của hàng hoá. Theo giới chuyên gia, doanh nghiệp cần cắt giảm chi phí kinh doanh, bởi sức tiêu thụ hàng Tết dự kiến giảm 10%.

Chưa đáng lo

Một doanh nghiệp (DN) nhập khẩu hàng rau quả tại TPHCM cho biết: Dù thành phố được hỗ trợ bởi nguồn cung hàng hoá từ các miệt vườn, nhưng người dân vẫn có nhu cầu tiêu thụ hoa quả nhập khẩu.

“Chúng tôi đã có đơn đặt một số lượng hàng khá lớn từ Thái Lan, với tỷ giá tăng cao như hiện nay, chắc chắn giá các loại hoa quả nhập khẩu sẽ phải tăng theo”, đại diện doanh nghiệp này nói.

Ngược lại, ông Vũ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Vũ lại cho rằng: Khi tỷ giá tăng cao, nhất là giai đoạn vào hồi tháng 6, tháng 7, gây rất nhiều khó khăn cho các DN nhập khẩu như chúng tôi. Trước đây, tỷ giá đột ngột nhiên tăng lên hơn 19.000 VND/USD, làm tăng quá lớn chi phí đầu vào, còn với mức như hiện nay dễ chịu rồi, DN nhập khẩu có thể chấp nhận được.

Ông Vũ Tiến Dũng thừa nhận: “Kêu ca là bệnh của DN, nhưng đối với DN phải nhập khẩu nhiều thì tỷ giá càng thấp càng tốt. Ở cái mức như hiện nay là được, vì nó phải cân đối hài hoà giữa nhập khẩu và xuất khẩu, bên tôi có một phần sản phẩm xuất khẩu, nên cũng không thích tỷ giá giảm nhiều quá. Giảm nhiều quá cũng có cái bất lợi”.

Còn theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, tỷ giá USD/VND tự do tăng lên chạm mức 17.500 VND sau khi NHNN nới biên độ tỷ giá +/-3%, chưa đáng lo đối với hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu. Bởi nguồn cung ngoại tệ trong nước đang dư thừa, các ngân hàng thương mại cam kết bán USD ra với mức giá dưới 17.000 VND.

Thế nhưng, các nhà nhập khẩu trong lĩnh vực thực phẩm, rau quả, hàng tiêu dùng cũng sẽ gặp khó. Ví dụ như 50% nguyên liệu: đường, sữa, hương liệu... của ngành sản xuất bánh kẹo trong nước là nhập khẩu, vậy nên khi tỷ giá tăng cao, giá thành sản phẩm cũng bị tăng lên.
 
Một số chuyên gia lạc quan cho rằng, việc tỷ giá USD/VND tăng cao cũng có mặt tích cực cho nền kinh tế. Khi tỷ giá tăng, giá thành nhập khẩu nhiều loại hàng hoá, sản phẩm sẽ tăng lên và khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang sản xuất những mặt hàng tương tự hàng nhập khẩu sẽ có điều kiện phát triển hơn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Và với việc NHNN thực hiện linh hoạt chính sách tiền tệ, mở rộng biên độ giao dịch USD/VND cũng giúp đánh tan sức ì tin tưởng vào việc USD bình ổn giá, giúp các doanh nghiệp Việt Nam thích ứng dần với việc thay đổi tỷ giá USD, nhất là khi nước ta đang hội nhập ngày một sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

Tỷ giá sẽ không tăng quá cao

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguồn cung ngoại tệ ở các ngân hàng đang dư thừa, dù nhu cầu sử dụng ngoại tệ dịp cuối năm có tăng thì tỷ giá USD/VND cũng không lên quá cao.

“Năm nay Tết đến sớm, nhà nhập khẩu sẽ phải tìm cách cắt giảm chi phí đầu vào, hạn chế giá thành đầu ra”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.

Còn theo ông Vũ Vinh Phú, tỷ giá USD/VND hiện vẫn đang nằm trong “tầm kiểm soát” của doanh nghiệp, nhưng các nhà chức năng cần tính toán mặt hàng nào cần phải hạn chế nhập khẩu, mặt hàng nào cần khuyến khích nhằm đảm bảo cung cầu trong nước dịp Tết nguyên đán sắp đến.

Ông Phú lấy ví dụ, mặt hàng cánh, đùi gà nhập khẩu cần được chú ý dịch bệnh thường xảy ra vào mùa đông. Nếu dịch bệnh xảy ra, số lượng gà nuôi trong nước có thể không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, vậy nên nguồn hàng đông lạnh nhập khẩu sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc cân đối cung cầu thị trường.

“Chỉ còn khoảng 2 tháng là đến Tết nguyên đán, giá các loại rau quả trong nước đã tăng từ 30 - 50% sau vụ lụt lịch sử, vậy nên hàng nhập khẩu cũng sẽ góp phần nào cân đối mặt bằng hàng hoá không có trong nước”, ông Phú nói.

Vị đại diện này nói thêm: “Sức mua tiêu dùng trong nước dịp Tết năm nay sẽ giảm 10% so với năm trước, chứ không còn tăng khoảng 15 - 20% như dự báo trước đây.

Năm nay TPHCM dành 409 tỷ đồng, Hà Nội dành 160 tỷ đồng để dự trữ Tết; tuy nhiên, khoản tiền dự trữ này của Hà Nội đã bị san sẻ để khắc phục hậu quả trận lũ lụt lịch sử vừa qua.

Và nếu 2 thành phố có dành khoản tiền này để dự trữ hàng tết thì cũng chỉ là một con số khiêm tốn so với hàng nghìn tỷ đồng doanh số bán hàng trong dịp Tết. So với thị trường bên ngoài, hàng hoá trong siêu thị mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu của người tiêu dùng”.

An Hạ