Chặn "vòi bạch tuộc" tín dụng đen, Thống đốc đề nghị gì với bí thư các tỉnh?
(Dân trí) - Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đề nghị các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy và các Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, góp phần ngăn chặn, đầy lùi tín dụng đen.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản số 1783 về việc phối hợp triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Theo văn bản này, Thống đốc NHNN đề nghị các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy và các Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, góp phần ngăn chặn, đầy lùi tín dụng đen với một số nội dung chủ yếu:
Thứ nhất, quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn trong quá trình thực hiện cho vay các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cho vay phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thứ hai, phối hợp với ngành ngân hàng đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, đặc biệt chính quyền cấp xã, phường, thôn, bản phối hợp với ngành Ngân hàng hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; hỗ trợ ngành Ngân hàng trong quá trình xác minh nhu cầu vốn tiêu dùng chính đáng, cấp bách của người dân nhằm hạn chế người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức.
Thứ ba, chỉ đạo các sở, ban, ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty được cấp phép hoạt động dịch vụ tài chính, các hiệu cầm đồ để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời những hành vi chưa đúng quy định của pháp luật.
Thứ tư là chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ nguy cơ, tác hại của tín dụng đen, giới thiệu các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức để người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh.
Thứ năm, tiếp tục quan tâm, dành một phần nguồn vốn của địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay các đối tượng chính sách xã hội theo chỉ đạo tại Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Ngoài ra, các bên liên quan cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất theo đúng quy hoạch nhằm hạn chế rủi ro khi xảy ra hạn hán, mất mùa, mất giá…, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Tình trạng “tín dụng đen” đang bùng phát mạnh mẽ ở nước ta cho thấy nhu cầu về các khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân rất lớn trong khi các khoản cho vay truyền thống chưa đáp ứng được các nhu cầu này. “Hệ luỵ của “tín dụng đen” đối với xã hội là rất lớn, nhiều gia đình rơi vào cùng quẫn bởi vướng bẫy của “tín dụng đen” và không được pháp luật hỗ trợ.
Tại một số khu vực phía Nam và Tây Nguyên - vùng trũng của tín dụng đen - tình hình tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và đời sống của người dân.
Điển hình tại Đăk Nông, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 186 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ (có 165 cơ sở có Giấy phép đang ký kinh doanh), trong đó có 38 cơ sở với 38 đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan đến tín dụng đen. Qua rà soát của Công an tỉnh, phát hiện trên địa bàn có 04 nhóm với 27 đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động tín dụng đen.
Trong đó, các đối tượng chủ yếu dùng tờ rơi tiếp thị với nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người vay như: Vay không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay…trên thực tế thì người vay phải trả lãi suất rất cao (từ 282-365%/năm), nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ do lãi mẹ đẻ lãi con.
Cũng tại Đăk Nông, mặc dù có đến 78 ngân hàng, công ty tài chính và hàng nghìn quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đầu tư tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng đối với người dân, doanh nghiệp.
Ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, cho biết tội phạm tín dụng đen có nhiều thủ đoạn đòi nợ hết sức manh động, gây sức ép đối với người đi vay và nhân thân của họ như: Đe dọa, khủng bố về tinh thần, sử dụng vũ lực (ở mức độ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự), đổ chất thải, chất bẩn vào nơi ở, nơi sinh hoạt của người vay, tụ tập đông người tại nơi làm việc, kinh doanh, sản xuất của họ và người thân để gây sức ép, thuê người các đối tượng hình sự, thanh thiếu niên hư hỏng để đe dọa, gây sức ép...
An Hạ